Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

790. LONG ĐONG

790. LONG ĐONG

Đơn phương từ thuở xanh đầu,

Gieo nhung, dệt nhớ, đêm sầu, ngày mong

Biển đời, người lẫn đục trong

Trăm năn tự huyễn hoặc lòng u ơ


Đóng đinh cầu ván... ngẩn ngơ

Đò qua sông vắng thẫn thờ tả tơi

Đợi nhau tàn cuộc dong chơi

Ngả nghiêng tủi giậu mồng tơi héo mòn


Từ trong sâu thẳm sầu tuôn

Hương thầm ngan ngát nỗi buồn mênh mang

Lạc nhau tại số hồng nhan

Biển tình ân nghĩa trái ngang khôn lường

Xanh đầu ai bảo đơn phương?

Âm thầm tự chuốc vấn vương đèo bòng

Đêm gian ngày ríu long đong

Trăm năm bạc tóc đau lòng vì ai?


29.3.2011 Hoahuyen

_______ Truyện vui bạn Hoài Vân sưu tầm trên mạng gửi hoahuyen đăng và đây là lời bình của hoahuyen

Bây giờ nghề giám đốc

Dễ hay khó... do mình

Hơn nhau tài diễn xuất

Khi khiển tướng, điều binh

Không tin xin hãy đọc

Chuyện giám đốc tài tình

Một ngày ông lươn lẹo

Còn hơn cả yêu tinh

MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA ÔNG GIÁM ĐỐC


7 giờ 30 sáng: Thức dậy. Nằm trên giường thêm ba mươi phút để cố nhớ lại những gì tối qua. Thường không nhớ ra. Khi suy nghĩ có ngáp và vươn vai nhưng không thò chân ra ngoài chăn. Máy lạnh đương nhiên vẫn mở. 8 giờ: Vào toilet. Thực hiện những nhu cầu hồn nhiên. Vừa thực hiện vừa hát. Nhạc ngoại quốc, lời Việt là chủ đạo. Cạo râu và kiểm tra lông mũi theo tiêu chuẩn ISO-9002. Chỉ ngoáy tai khi có tắm. 8 giờ đến 8 giờ 30: Ăn sáng. Mắng con. Khiển trách người làm. Than thở với vợ. Uống thuốc hạ huyết áp. Uống hải cẩu hoàn. Nghe tin bóng đá. Thắt cà-vạt. Mặc comple. 8 giờ 30 đến 9 giờ: Ra xe. Vừa ra vừa xỉa răng. Vứt tăm qua cửa kính xe. Nhắn tin cho em. Xóa một số tin nhắn của em. Kiểm tra lại lớp keo trên tóc. Ngả lưng và nới khuy áo vest. 9 giờ đến 9 giờ 30: Vô công ty. Bắt tay đủ ba người. Đọc báo. Mở vi tính xem giá chứng khoán. Nhún vai. Uống trà. Treo áo vest lên lưng ghế. Ký một số công văn. Uống trà tiếp tục. 9 giờ 30 đến 11 giờ: Mời đối tác sang quán cà phê trước công ty. Dặn thư ký là đi họp. Quyết định với đối tác là còn phải gặp nhiều lần. Cười bí hiểm khi được hỏi về hoa hồng. Cố gắng khi nói chuyện có pha tiếng Anh và tiếng Pháp. Gật đầu với mấy bàn quen. Tỏ ra nghiêm nghị với những em mới vào. 11 giờ đến 1 giờ 30: Mời đối tác dùng cơm trưa. Chọn nhà hàng sang, nhưng có hóa đơn đỏ. Uống ba ly bắt đầu xưng cậu - tớ và vỗ vai nhau. Gọi một con cầy hương nhưng chả hiểu nhà hàng dọn con gì. Thề sẽ trung thực. Hứa ký hợp đồng. Nháy mắt khi bàn về phụ nữ. Dùng khăn lạnh lau cả cổ lẫn mặt. Nói to hơn lúc bình thường. Cầm cua rang muối bằng cả hai tay. Mở khuy áo trên. Khen cô thư ký của đối tác đẹp.. Nếu cao hứng có thể đọc bài thơ do mình sáng tác. Kể về những chuyến đi Bangkok, tùy theo quan điểm và độ chân tình sẽ quyết định kể từ đâu. Tranh nhau thanh toán.. Ôm vai rồi siết chặt tay. Từ 1 giờ 30 đến 3 giờ chiều: Ngủ trong salon phòng làm việc. Dặn thư ký không để ai vào. Ngáy to hay nhỏ là tùy loại rượu vừa uống. Khi ngủ thỉnh thoảng có giật mình. Từ 3 giờ đến 3 giờ 30: Thức dậy. Rửa qua mặt mũi. Xem lại giấy tờ ban sáng. Gọi thư ký vô khiển trách, cố gắng tìm ra vài lý do. Thư ký nên già để tránh dị nghị. Họp với tay trợ lý thân tín. Dặn nó phone về nhà khi mình đi vắng để nhờ nói lại với vợ một số thông tin đã chọn lọc. Trao đổi vài đĩa phim DVD. Nhờ tìm vài loại thuốc và vài thứ rượu ngâm. Khi trợ lý ra khỏi phòng thì phone cho em, than từ sáng tới giờ quá bận. Từ 3 giờ 30 đến 4 giờ 30: Họp các trưởng phòng chủ chốt. Mắng ba đứa, khen ba đứa, còn lạnh lùng với ba đứa. Nhấn mạnh những điều đã nói hôm qua. Kêu mệt và kêu nhức đầu nhưng đứa nào hỏi thăm thì gạt đi. Nhớ những câu quan trọng có đứng lên khi nói. Từ 4 giờ 30 đến 5 giờ 30: Ở lại trong văn phòng khi mọi người đang ra về, cố tình để hé cửa. Viết và đọc như điên. Quát ầm ầm trong điện thoại. Khi mọi người đã về hết, phone cho em hẹn cà phê chiều. Từ 5 giờ 30 đến 7 giờ: Ngồi với em ở cà phê loại sang. Nói nhiều về tâm trạng, về cảm xúc và nghệ thuật. Tiết lộ rằng mình sinh ra đáng lẽ phải làm nghệ sĩ chứ không hợp kinh doanh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, giờ mới thấy tiền bạc là phù du. Thở dài kín đáo. Nắm tay nhè nhẹ. Xa xôi về nỗi cô đơn mơ hồ. Đọc một câu trong cuốn tiểu thuyết vừa xem. Bất thình lình nhìn em không nói. Từ 7 giờ đến 9 giờ: Đi ăn tối với em. Thức ăn ngon, đĩa nhỏ, phòng kín đáo, rượu vang thơm. Đèn mờ dịu. Kể về thời thơ ấu vất vả. Kể về phim Sắc giới một cách cảm thông. Ngạc nhiên với những điều cổ hủ. Phẫn nộ với những nhỏ nhen. Cau mày khi nghe về tiền bạc. Bao dung khi nói về tội lỗi. Từ 9 giờ đến 10 giờ tối: Về nhà. Than với vợ là sắp điên lên vì họp. Ăn cơm nhà nửa chén, kêu mệt rồi thôi. Hỏi qua việc học của con. Đá cho con mèo hai cú.( Chú ý tranh thủ trên đường về nhà xóa sạch các tin nhắn nhậy cảm hai chiều trong ngày ) Từ 10 giờ đến 10 giờ 30: Vô toilet. Tùy hôm mà ngồi trong đó nhanh hay chậm. Kiểm tra kỹ các dấu vết trên thân mình. Nhìn toàn thân xem bụng đã chiếm bao nhiêu. Ho và khạc. Đánh răng bằng máy. Định xức dầu thơm rồi lại nhún vai. Từ 10 giờ 30: Lên giường. Tắt di động. Xóa hết tin nhắn còn sót lại. Đọc báo Thời trang trẻ, không dừng quá lâu ở các trang áo tắm để vợ khỏi nghi. Kêu mệt thêm lần nữa. Ngủ và ngáy đều. Nằm mơ thấy mình còn trẻ.

(Nguồn : Sưu tầm Internet )

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

789. Ngẫm : Tại ai ?


Thảm họa động đất sóng thần tại Nhật

789.
NGẪM: TẠI AI ?

Nghiêng ngả trần gian họa nhỡn tiền
Năm châu bất ổn loạn triền miên
Chiến tranh thảm khốc dân lao khổ
Động đất kinh hoàng nước đảo điên
Xúc phạm môi trường gieo đại họa
Khinh khi vạn vật khuấy bình yên
Con người hiểu biết... nương quy luật
Tránh được tai ương... bớt lụy phiền ?

22.3.2011
Hoahuyen



"Màn dạo đầu" ác liệt tại Libya

Bài họa 1
  • Sao chỉ tại…TRỜI ?

    Chiến tranh bất tận cũng vì tiền
    Sao chỉ than Trời khóc tiếng Miên
    Bắn giết thắng thua gào đến loạn
    Tranh đua hơn kém thét rồi điên
    Quăng bom tàn sát hoài chưa nghỉ
    Gác súng giao hòa được mấy yên
    Vũ trụ bao la thừa khí thở
    Đất chung cùng ở cớ đâu phiền

    Học trò trường thuốc

    Viết bởi Bs.Tản — 22 Mar 2011, 14:58

  • Bài họa 2:
  • THẬT PHIỀN!

    Khuynh đảo thế gian bởi bạc tiền
    Toàn Cầu đại hoạ cứ liên miên
    Sóng Thần tàn phá như cuồng nộ
    Núi lửa phun trào tựa hoá điên
    Huỷ hoại môi trường gây bất ổn
    Chăm lo lợi ích có đâu yên
    Thiên nhiên giáng trả người tham vọng
    Trái đất bao nhiêu chuyện thật phiền!

    Viết bởi Lê Trường Hưởng — 22 Mar 2011, 16:29



  • CHIẾN TRANH VÀ SỰ CHIA RẼ... VÌ CÁI GÌ ?

    Chiến dịch quân sự tại Libya xuất hiện vết nứt sau khi Liên đoàn Ả Rập phản đối những đợt dội bom, tên lửa của Anh - Pháp - Mỹ lên lãnh thổ Libya.

    Những đợt không kích ác liệt từ các tàu chiến và máy bay Anh, Pháp, Mỹ về hướng Libya đã làm bùng lên dư luận trái chiều trong thế giới Ả Rập, vốn ủng hộ quân nổi dậy Libya nhưng không đồng ý phương Tây can thiệp quân sự tại khu vực. Liên đoàn Ả Rập ban đầu kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Libya nhưng sau đó lại phản đối khi các hình ảnh tang thương kèm theo tin tức dân thường thiệt mạng xuất hiện.

    Tuyên bố trước báo giới, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Amr Moussa gọi những cuộc không kích của phương Tây hồi cuối tuần qua là hành động “dội bom thêm lên dân thường” chứ không phải phục vụ cho mục đích thiết lập vùng cấm bay. Ông kêu gọi Mỹ và liên quân đưa ra báo cáo chính xác về chuyện gì đã xảy ra khi tên lửa giáng vào các mục tiêu trên đất liền. Các nguồn tin địa phương khẳng định hầu hết nạn nhân trong các vụ không kích là dân thường. Tuy nhiên, hôm qua, ông Moussa khẳng định liên đoàn vẫn tôn trọng Nghị quyết 1973 của LHQ.

    Ngay việc áp đặt vùng cấm bay cũng gây nên sự hoang mang trong lòng những người Ả Rập. “Cả thế hệ của tôi lớn lên cùng với chiến dịch Cáo sa mạc vào năm 1998, sau đó kéo dài đến chiến tranh Iraq, và kế đến là quân Israel chiếm đóng. Do đó chúng tôi không hề muốn chứng kiến bất cứ sự can thiệp chính trị lẫn quân sự từ phương Tây”, báo Miami Herald dẫn lời Heba Morayef tại văn phòng Human Rights Watch ở Cairo nói.

    Không ít người cũng cáo buộc Mỹ và các cường quốc phương Tây xông xáo can thiệp vào Libya mà bỏ lơ tình hình các nước đồng minh như Yemen hay Bahrain, vốn cũng đang chìm trong bạo lực giữa chính quyền và người phản đối. “Tại sao lại là Libya chứ không phải Bahrain, Yemen, Tunisia hay Ai Cập? Tôi hy vọng sự can thiệp này dựa trên các mục tiêu nhân đạo chứ chẳng phải là dầu mỏ”, Miami Herald dẫn lời Khaled Chaker, y tá 29 tuổi tại Tunisia nói.

    NATO chia rẽ

    Có vẻ như NATO cũng đang lúng túng vì không thể đạt thỏa thuận về trách nhiệm của khối cũng như của các thành viên trong chiến dịch lần này. AFP dẫn lời phát ngôn viên của NATO là Oana Lungescu cho hay Hội đồng NATO chỉ mới thông qua kế hoạch hành động nhằm theo sát lệnh cấm vận vũ khí chống Libya. Các thành viên của khối thì vẫn tiếp tục tranh luận về quyết định thành lập khu vực cấm bay theo như nghị quyết nói trên. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Đức tỏ ra thận trọng về việc NATO trực tiếp nhúng tay vào Libya.

    Trong lúc hỏa lực của liên quân tiếp tục dội xuống Libya mà kẻ bắn cũng chưa xác định được mình bắn đến đâu, các lãnh đạo quân sự của liên quân thừa nhận cuộc tấn công này có thể không bứng được ông Muammar Gaddafi. Đó là chưa kể đến nguy cơ lớn hơn là gây chia rẽ Libya và không có chiến thuật rút lui rõ ràng, Bloomberg dẫn lời giới phân tích nhận định.

    Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ là Mike Mullen khẳng định mục đích của chiến dịch không phải là truất phế ông Gaddafi mà là bảo vệ dân thường khỏi thảm họa tàn sát trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox hôm qua bật đèn xanh cho quân đội tấn công ông này. “Gaddafi hiện là mục tiêu hợp pháp”, Telegraph dẫn lời ông Fox nói. Sự mù mờ và hoang mang càng lộ rõ khi đến chiều qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Sir David Richards thẳng thừng bác bỏ việc lấy ông Gaddafi làm mục tiêu. “Chắc chắn không có chuyện nhằm vào ông Gaddafi.

    Nghị quyết của LHQ không cho phép điều này và tôi không muốn bàn đến nó nữa”, BBC dẫn lời ông Richards nói. Bloomberg dẫn lời Jan Techau, Giám đốc Viện Carnegie Endowment for International Peace tại Brussels, Bỉ nhận định: “Anh không thể có chiến lược kết thúc hoàn chỉnh nếu thiếu mục tiêu, và chúng tôi chẳng biết mục tiêu của liên quân tại Libya là gì”.

    Thụy Miên
    ---------------

    NGÀY TẬN THẾ ?

    (Một thành phố đã biến mất sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011)

    Trận động đất kinh hoàng ở Nhật đã thay đổi hình thể trái đất, đảo chính Honshu dịch chuyển 2,4m, toàn bộ nước Nhật Bản đẩy thấp xuống khoảng 0,6m, các khu vực ở phía Tây bị đẩy lùi gần về Bắc Mỹ khoảng 3,66m. Riêng trục trái đất lệch 8cm và ban ngày đã ngắn đi hơn so với trước dây. Những hình ảnh mới đây về thảm hoạ động đất và sóng thần ở Nhật với số người chết và mất tích có khả năng lên đến 10.000 người đã làm bloger lại liên tưởng đến bộ phim Doomsday 2012 (Ngày tận thế) được kênh phát sóng HBO liên tục chiếu lại cách đây không lâu.

    Một tin đồn vừa lan truyền trên mạng internet về ngày 19/02/2011 (đúng ngày Rằm tháng 2 âm lịch). Lần này, bề mặt chị Hằng trông to hơn gấp 14% và sáng hơn 30% so với những lần trăng rằm khác. “Siêu mặt trăng” xuất hiện làm tăng mạnh lực hút giữa trái đất và mặt trăng gây nên động đất và sóng thần dữ dội. Hiện tượng này được xác nhận là có căn cứ và được minh chúng bằng số liệu khoa học.

    Với tiên đoán về ngày tận thế, mô phỏng của Hollywood dựa trên lịch cổ đại của nền văn minh bí ẩn người cổ Maya về ngày định mệnh 22/12/2012 (ngày Đông chí năm Nhâm Thìn). Hay nói cách khác bộ lịch của loài người sẽ kết thúc vào ngày này. Cả thế giới sẽ biến mất bởi sóng thần, núi lửa phun trào, động đất dữ dội và mưa thiên thạch.

    Liệu nhân loại đã đến hồi kết ?

    Siêu mặt trăng xuất hiện vào ngày 19/2/2011. Thảm họa khủng khiếp ở Nhật được cho là do Mặt trăng và Mặt trời kích hoạt.

    Vào ngày 19/3 tới đây, mặt trăng sẽ tiến gần về trái đất nhất trong vòng 19 năm qua. Vào thời điểm này, mặt trăng sẽ sáng hơn, lớn hơn bình thường. Giới khoa học gọi đó là hiện tượng “siêu mặt trăng”. “Siêu mặt trăng” đã xuất hiện vào các năm 1955, 1974, 1992 và 2005. Tất cả đều kèm theo những thảm họa cho trái đất.

    Theo Life's Little Mysteries, một trang “chị em” của SPACE.com (trang web nổi tiếng về vũ trụ), mặt trăng và trái đất sẽ cách nhau chỉ 356.577km. Trang web còn dẫn lời một nhà chiêm tinh học hàng đầu thế giới cho biết, hiện tượng “siêu mặt trăng”có thể gây ra động đất, sóng thần và hàng loạt núi lửa sẽ phun trào. Siêu động đất ở Nhật Bản, sóng thần Indonesia làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng, lốc xoáy Tracy với tốc độ gió 250km/h phá hủy thành phố Darwin (Australia) được cho là do hiện tượng này.

    Cùng ngày, trong cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng nói nước Nga, nhà khoa học Nga Arkady Tishkov, phó giám đốc Viện địa lý thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga phân tích: “Có một lý thuyết cho rằng các chu kỳ hoạt động địa chấn của Trái Đất liên quan trực tiếp với hoạt tính của Mặt trời. Mặt trời tuôn ra các luồng proton ảnh hưởng đến hoạt động của Trái Đất”.

    Vấn đề thứ hai là hiện nay Mặt trăng đang ở giai đoạn gần Trái Đất nhất. Điều này gây ảnh hưởng đối với Mặt trời và có thể ảnh hưởng đến chế độ hoạt động của hải lưu. Và như vậy, Thái Bình Dương thay đổi chế độ mặc định của thủy triều, có thể ảnh hưởng đến chuỗi núi lửa, được gọi "vành đai lửa" của Thái Bình Dương”.

    Trận động đất 9 độ richter xảy ra hôm 11/3 đã làm rung chuyển một khu vực rộng lớn tại khu vực trung tâm và miền đông bắc Nhật Bản, gây sóng thần cao 10 mét đánh vào bờ biển và lan đến tận vùng Viễn Đông của Nga. Một thảm họa khủng khiếp như vậy chỉ có thể do Mặt trăng và Mặt trời kích hoạt, ông Arkady Tishkov đã nhận định như vậy. Trả lời phỏng vấn với Đài truyền hình CNN, ông Kenneth Hudnut, một nhà địa vật lý học của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã cho rằng, trận động đất hôm 11/3 đã khiến đảo chính của Nhật Bản xê dịch đến 2,4 m. Ông cũng khẳng định sự rung chuyển cực lớn của trận động đất do các thềm lục địa nằm sâu dưới biển tạo ra đã làm trục Trái Đất chệch đi ít nhất 8 cm.

    Mặt trăng hiện giờ nằm ở vị trí cách từ Trái Đất khoảng 350.000 km. Đây là thời điểm quỹ đạo Mặt trăng gần nhất trong thập kỷ qua. Đương nhiên, Mặt trăng đang ở gần như vậy nhất định tác động mạnh lên thạch quyển của Trái Đất. Đến lượt mình, Mặt trời đang ở giai đoạn hoạt tính cao nhất của nó trong vòng mấy năm qua: vừa qua có đợt phun trào mới gây ra cơn bão từ rất mạnh mà tất cả các cư dân của Trái Đất đều nhận thấy.

    Mối quan hệ giữa các hiện tượng như vậy có thể không luôn luôn nhất quán, nhưng vẫn tồn tại, được ghi nhận, và thường xuyên thể hiện. Chu kỳ địa chấn và hoạt tính của mặt trời có thể trùng với nhau, và trong tương lai gần, khoảng những năm 2011-2015 sẽ là chu kỳ núi lửa hoạt động cao nhất và địa chấn lớn nhất.

    Tuy nhiên, một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu sóng thiên văn quốc tế, Pete Wheeler phủ nhận điều này. Ông cho rằng trái đất sẽ diễn ra hiện tượng thủy triều rút sâu và dâng cao hơn, chứ không có gì siêu bất thường xảy ra khi mặt trăng ở điểm gần trái đất nhất. Nhà thiên văn học người Australia David Reneke cũng đồng ý với quan điểm của Pete Wheeler, và cho rằng “những nghi ngờ trên cuối cùng sẽ được chứng minh là vô lý”.

    Ngày tận thế 22/12/2012 (Doomsday 2012)?

    (Bang California bị sụp đổ hoàn toàn)

    Khi Internet bắt đầu phổ biến từ thập niên 90, những bàn tán về ngày định mệnh được cho là theo dự đoán của người Maya cổ đại cũng lan truyền khắp thế giới. Nhiều người hoảng hốt khi cái ngày đông chí năm 2012 được cho là ngày thảm họa xảy ra gần kề. Liệu nhân loại có thực sự chấm dứt sự sống vào ngày 21/12/2012? Nhiều người tin rằng điều này có thể đúng nếu căn cứ trên cột đá Monument 6 của người Maya mà các nhà khảo cổ học phát hiện trong đống đổ nát ở Mexico hồi thập niên 60.

    (Tượng Chúa bị ngã trước hàng vạn người cầu nguyện ở Roma - Ý)

    Những chữ khắc trên cột đá này nói tới một biến cố sẽ xảy ra vào năm 2012. Tuy nhiên, cột đá này bị ăn mòn và có một vết nứt khiến các nhà khảo cổ không thể đọc được đoạn cuối cùng. Một giả thuyết khác có liên quan tới lịch Long Count của người Maya, nền văn minh Maya phát triển ở đỉnh cao là từ năm 300 tới 900 sau Công nguyên. Lịch tôn giáo Long Count của họ bắt đầu từ năm 3.114 trước Công nguyên và được cho là sẽ kết thúc vào ngày 21/12/2012.

    (Một nhà sư Tây Tạng bàng hoàng đứng nhìn cơn Đại Hồng Thuỷ tràn qua dãy núi Hy Mã Lạp Sơn)

    Nhiều nhà chiêm tinh thì tin rằng người Maya cổ đại còn biết một bí mật nữa đó là trục thế giới chuyển động, làm thay đổi trật tự sắp xếp của các ngôi sao mỗi năm. Cứ mỗi 25.800 năm, mặt trời lại di chuyển về trung tâm dải Ngân hà vào đúng ngày đông chí. Theo giả thuyết này, nguồn nhiệt của mặt trời phóng ra sẽ cao hơn bình thường, có thể ảnh hưởng mạnh đến môi trường sống trên trái đất. Sự kiện này sẽ xảy ra vào ngày 21/12/2012. Việc mặt trời di chuyển về trung tâm dải Ngân hà có thể gây ra một sự đảo lộn kinh hoàng. Toàn bộ trái đất sẽ thay đổi chỉ trong vài ngày, có thể là trong vài giờ. Cực bắc đổi chỗ cho cực nam, gây ra thảm họa toàn cầu, động đất gây rung chuyển khắp các châu lục, sóng thần sẽ cuốn trôi nhiều thành phố ven biển. Đây có thể là một thảm họa cuối cùng của địa cầu.

    Dù có hay không, trong những năm gần đây, dưới tác động của việc tàn phá tài nguyên, môi trường bởi con người, các thảm hoạ trước mắt đã thật sự gây sốc cho chúng ta. Lũ lụt, bão tố tàn khốc cuốn phăng hàng ngàn con người, hố tử thần sâu hun hút, những vết nứt khổng lồ trên mặt đất, các vật thể bay không xác định (UFO) xuất hiện khắp nơi như một lời cảnh báo, nhắc nhở của một nền văn minh khác đối với người địa cầu về ngày tận thế.

    (Tất cả thành phố lớn trên trái đất đều bị biển dữ cuốn trôi và nhấn chìm )

    Mới đây nhất , Frank Fenner, một giáo sư vi sinh vật học lừng danh tại Đại học Quốc gia Úc đã từng nhấn mạnh, cháu chắt của những thế hệ hiện nay sẽ phải đương đầu với một thế giới khó khăn hơn. Theo giáo sư Fenner, chúng ta sẽ bị diệt vong vì chúng ta đông quá. Nói cách khác, chính tình trạng tăng dân số địa cầu là mối đe dọa cho địa cầu, đây là nguyên nhân thứ nhất. Nguyên nhân dân số còn đi đôi với một xu hướng mà ông gọi là nạn “tiêu dùng hoang phí” tài nguyên sẽ đưa đến sự diệt vong. Hậu quả đầu tiên của tình trạng đông dân là nạn đói, khi dân số địa cầu lên đến 9 tỷ người thì chiến tranh thực phẩm sẽ nổ khốc liệt. Có khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử đâu đó ở Cận Đông, dẫn tới hủy diệt vài thành phố lớn.

    (Nhà Trắng - Mỹ trước cơn Đại Hồng Thuỷ)

    Một hậu quả nữa là bầu khí quyển bị hâm nóng bầu, hiệu ứng nhà kính hiện nay chỉ là bước đầu nhưng chúng ta đã thấy tác động đầu tiên. Bão tố xảy ra thường xuyên, lũ lụt dữ dội hơn, hiện tượng tan băng, đồng bằng bị xâm mặn, thời tiết oi bức hơn cộng với tình trạng ô nhiễm là những hiện tượng mà chúng ta đang thấy. Tình trạng thủy triều đen ở vịnh Mêhico là một thí dụ điển hình minh họa cho thái độ chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả cho con người.

    Ông thẩm định thêm là ngoài con người, nhiều loài sinh vật khác cũng bị diệt vong và hiện tượng này là không thể làm đảo ngược được.

    Nhận định của giáo sư Fenner được nhiều nhà khoa học xác nhận và chia sẻ.

    Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

    787. Chia sẻ và Khâm phục NGƯỜI DÂN NHẬT


    787.
    Chia sẻ và Khâm phục

    NGƯỜI DÂN NHẬT BẢN

    Động đất
    8,9 độ rích te
    cướp đi hàng ngàn sinh mạng
    cả một vùng rộng lớn tan hoang

    nước Nhật kinh hoàng...

    nhiều nơi chìm trong nước, lửa
    lò hạt nhân đã nổ
    trăm năm thảm họa khôn lường...

    Người nhật kiên cường không hoảng loạn
    đoàn kết, sẻ chia, tình thương, trách nhiệm
    khắc phục khó khăn, dìu nhau trong hoạn nạn...

    Bốn biển, năn châu KHÂM PHỤC ý chí can trường
    ...

    KHÂM PHỤC (1)

    Đang yên... thảm họa thật khôn lường

    Phút chốc nhà tan, nát cả xương
    Thành phố văn minh... thành chiến địa
    Làng quê hiện đại hóa... sa trường
    Thiên tai khủng khiếp sinh lo ngại
    Phóng xạ kinh hoàng nẩy vấn vương
    Kính cẩn nghiêng mình khâm phục Nhật

    Đàng hoàng đĩnh đạc vượt tai ương

    788.
    KHÂM PHỤC (2)

    Đang yên, nước Nhật bỗng điêu tàn

    Mấy chục ngàn người chết ức oan
    Thành phố văn minh, thân xác nát
    Làng quê hiện đại, cửa nhà tan
    Thiên tai khủng khiếp... thường sinh sợ
    Địa họa kinh hoàng... dễ bất an
    Phóng xạ hạt nhân... không hoảng loạn
    Toàn dân đoàn kết vượt nguy nan

    16.3.2011
    Hoahuyen

    Chỉ nhìn vào phong thái

    Kính nể dân người ta
    Rất đàng hoàng đĩnh đạc
    Không hoảng loạn, kêu ca



    __________________

    CHIA SẺ VỚI NHẬT BẢN

    Động đất bên kia Nhật á châu
    Cảm thông chia sẻ tỏ lòng sầu
    Phố phường tráng lệ đà tan nát
    Người Nhật thương tâm bị lấp sâu
    Thông điệp nhân sinh truyền bốn biển
    Bức tranh thảm hoạ khắc năm châu
    Đồng thanh chung sống vì nhân loại
    Đừng để trần ai "cuộc bể dâu."



    Nguyễn Văn Đào
    Nghệ An


    ...








    TTO - Từng làm cả thế giới phải trầm trồ thán phục về cuộc “Minh Trị duy tân” hay những bước tiến thần kỳ kể từ sau Thế chiến thứ 2, giờ đây Nhật Bản lại khiến người ta ngạc nhiên về tính kỷ luật phi thường, bất chấp cảnh tượng kinh hoàng do động đất và sóng thần.


    Trước tiên là thảm họa xảy ra, sau đó là hôi của - một diễn biến đã trở nên quá quen thuộc trong những thảm họa gần đây. Trong trận lụt ở phía tây nước Anh năm 2007, những kẻ hôi của đã đập vỡ cửa kính của những xe hơi bị bỏ lại và cướp giật những chai nước uống cứu trợ.


    Tại New Orleans năm 2005, Chính phủ Mỹ đã phải đưa quân đội tới để giải quyết cảnh hỗn loạn trong thành phố - các vụ đọ súng, cướp của diễn ra thường xuyên đến độ người ta đã không cho những người tình nguyện đến hỗ trợ vì quá nguy hiểm.


    Còn ở Haiti, cho đến bây giờ người ta vẫn còn ghi nhận các vụ hãm hiếp và cướp bóc tại những khu vực đổ nát mà chính phủ chưa thể dọn dẹp, một năm sau khi động đất xảy ra.


    Thế nhưng tại Nhật Bản, không có ai bất chợt “để mắt” đến những đống đổ nát dù tình hình thật sự tuyệt vọng.


    Tại tỉnh Miyagi - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất, người dân đang trải qua cảnh thiếu thốn lương thực và nước uống.


    “Đường ống gas và nước đã ngừng hoạt động ở Miyagi và thành phố Sendai. Ở vài nơi thì điện cũng không có - một nhân viên cứu hộ nói với RIA Novosti - nhưng không có cảnh hoảng loạn trên đường phố và cửa hàng”.


    CNN ghi lại cảnh người dân đứng xếp hàng trật tự bên ngoài những cửa hàng không còn cửa chính cũng như cửa sổ do bị trận động đất tàn phá.


    Tại một cửa hàng khác đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung quanh không có ai bảo vệ.


    Không hề có tình trạng đầu cơ - các siêu thị giảm giá và các chủ máy bán nước tự động phát không nước uống cho mọi người - tất cả cùng đoàn kết để tồn tại, tờ Telegraph ghi nhận.


    “Hiện tượng” này đang gây ngạc nhiên khắp thế giới. Nhà phân tích Ed West đặt câu hỏi trên tờTelegraph: “Tại sao không có hôi của ở Nhật Bản?”. Trang web tìm kiếm Google cho thấy có 2.770.000 người đã đặt ra vấn đề tương tự như ông West.


    “Tinh thần đoàn kết của người Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ” - ông Ed West viết trên tờ Telegraph.


    Còn tổng biên tập báo Bangkok Post Pichai Chuensuksawadi đã phải thốt lên: "Chẳng phải đã bao nhiêu lần chúng ta thấy cảnh hôi của, cướp giật và bạo lực sau một thảm họa thiên nhiên đó sao?".


    Tinh thần tập thể cao độ


    “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có một từ để mô tả chính xác hành động này” - Gregory Pflugfelder, giáo sư nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận định.


    Giáo sư Pflugfelder, người có mặt tại Nhật Bản vào thời điểm xảy ra thảm họa, kể với CNN về những dòng người xếp hàng trật tự tại các ga tàu điện đã đóng cửa trong nhiều giờ do thảm họa. Hiện tượng này có cội rễ từ nền văn hóa Nhật Bản, theo ông Pflugfelder, bởi mỗi người Nhật Bản đều cảm thấy mình có trách nhiệm trước hết là đối với xã hội. Nền tảng văn hóa Nhật, theo ông, được xoay quanh một tinh thần cộng đồng cao độ, “có vẻ như được phát huy còn tốt hơn ngay cả khi có thảm họa”.


    “Người Nhật tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của cộng đồng và nhóm, bởi họ coi đó là cách duy nhất để cân bằng nhu cầu của cá nhân” - ông Pflugfelder phân tích.


    Mặt khác, CNN dẫn lời ông Pflugfelder, “Trật tự xã hội và kỷ luật đã được tập thành thói quen ngay trong cuộc sống bình thường, nên người Nhật Bản không thấy trở ngại tiếp tục thói quen này khi có thảm họa xảy ra”.


    Merry White, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Boston (Mỹ), nói hôi của xuất phát từ sự phân hóa xã hội và khoảng cách giàu nghèo. Xã hội Nhật Bản không phải là không có hiện tượng đó, tuy nhiên “bạo lực và giành giật từ tay người khác đơn giản là không được chấp nhận trong văn hóa Nhật”.


    Tôn giáo


    Đa số người Nhật theo Thần đạo và Phật giáo, và theo như giáo sư John Nelson thuộc Đại học San Francisco, người Nhật sử dụng tôn giáo để đối mặt với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.


    “Khi gặp sự việc tính cực thì người Nhật tìm đến các nghi thức của Thần đạo, nhưng khi gặp tai họa hay thảm kịch thì họ hướng về Phật giáo”, theo ông Nelson.


    Khác với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo và Thần đạo của người Nhật không quá tập trung vào nguyên nhân xảy ra thảm họa mà chỉ dạy cách ứng xử của người dân trước thảm họa.


    “Đối với người Nhật, quan trọng nhất là phản ứng một cách tích cực và kiên trì mỗi khi đối mặt với khó khăn, điều đó phản ánh qua tôn giáo của họ” - giáo sư Bocking thuộc Đại học Cork nói với CNN.


    XUÂN TÙNG



    Video clip

    Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

    Quay quắt con tim


    QUAY QUẮT CON TIM

    Ta ngoảnh lại hoàng hôn tím ngắt

    Cuối đường chiều quay quắt con tim
    Gió buồn lay lắt hoa sim
    Trời nghiêng vạt nắng in chìm vào mây
    [@more@]


    Ta ngoảnh lại hoàng hôn tím ngắt
    Cuối đường chiều quay quắt con tim
    Gió buồn lay lắt hoa sim
    Trời nghiêng vạt nắng in chìm vào mây

    Giọt nước mắt đong đầy nỗi nhớ
    Phân vân lòng một mớ ưu tư
    Trời chiều váng vất ngất ngư
    Biết đi hay ở? nát nhừ xác thân

    Em hẹn đỉnh phù vân cuối kiếp
    Anh mơ màng giấc điệp Trang Chu(*)
    Trên răng, dưới tóp vài xu
    Chỉ e gió lại mịt mù mưa giăng ?

    Thì đã có "đi văng hiệp hội"
    Lưu danh thơm, ngâm tội cho mình
    Ở đời vinh nhục - nhục vinh
    Lên voi xuống chó thường tình mà thôi

    Hoahuyen

    _________________________

    Thơ mời họa

    BIẾT LỖI

    Biết lỗi thành ra mới bẽ bàng
    Đã lâu không viếng mái lều hoang
    Kẻ say mê tửu thưa lui tới
    Người quý yêu thơ ít ngó ngàng
    Thấp chí tài hèn thôi ngật ngưỡng
    Cao niên yếu sức bớt lang thang
    Đầu xuân Tân Mão mừng năm mới
    Đón khách tao nhân, tiếp bạn vàng

    Hoahuyen