CHÚC MỪNG
Những người lính tiên phong
(Nhân ngày nhà báo Việt Nam 21.6)
Báo chí trao anh sứ mệnh rồi
Hai mươi bốn chữ giỏi nhào tơi
Buông câu dự báo tương lai tới
Múa bút khen chê chuyện thức thời
Khát vọng gieo mầm trăm vạn nẻo
Niềm tin lắng đọng khắp muôn nơi
Sinh nghề tử nghiệp... lưu tên tuổi
Người lính tiên phong sống giữa đời
Bản lĩnh trung kiên thời hội nhập
Dấn thân tranh đấu bút tuôn lời
Bênh người lương thiện yên bờ cõi
Chống lũ quan tham thuận ý trời
Vì nước toàn tâm dâng kiệt xác
Vì dân cống hiến dốc tàn hơi
Tiếng chuông lay động hồn say tỉnh
Sứ mệnh trao anh... suốt cả đời
Hoahuyen
18.6.2008
Nhân dịp anh
Hoàng Cát ra mắt tập thơ mới: THANH THẢN
Lời giới thiệu của anh NTT:
Lần này tôi lại vẽ bìa cho thơ Hoàng Cát. Đây là bìa thơ thứ 3 tôi làm cho anh. Tập thơ tên là THANH THẢN, nhưng tôi biết, có nhà thơ nào thanh thản được trước cuộc đời đầy biến động yêu thương, buồn vui lẫn lộn này. Tình cờ thấy trong máy có bức ảnh Ba Tỉnh chụp Hoàng Cát đang chọc trán suy nghĩ, tôi lấy làm "mô-típ" chính cho bìa. Vậy mà Hoàng Cát thích lắm, cứ luôn miệng tấm tắc: "Mi hiểu tau mi hiểu tau".
Tối mai, Trung tâm Đông Tây tổ chức ra mắt tập thơ THANH THẢN và giao lưu với tác giả, Trung tâm và Hoàng Cát lại mời tôi làm MC, không thể từ chối được. Hy vọng với tập thơ này, hồn thơ Hoàng Cát càng thêm đầy đặn trước nghĩa tình bạn hữu và bạn đọc yêu thơ anh.
***
Kính anh Hoàng Cát!
Chúc mừng anh sống cuộc đời "THANH THẢN"
Yêu thơ ca như máu thịt hiến dâng đời
Với bạn bè tấm lòng trong như ngọc
Nhả tơ vàng cho đến phút tàn hơi Hoahuyen
Xin phép anh NTT đăng lại 2 bài viết giới thiệu về anh Hoàng Cát
Thư viện – Café Đông Tây trân trọng Giới thiệu sách mới:
Trân trọng thông báo và kính mời Quý vị tới dự buổi Giới thiệu sách mới: Tập thơ THANH THẢN của nhà thơ Hoàng Cát, và giao lưu với nhà thơ.
Người dẫn chương trình: Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Họa sĩ Ba Tỉnh (Đinh Quang Tỉnh) tặng phiên bản tranh Chân dung Hoàng Cát
Thời gian: 19h 00, thứ 5 ngày 19/6/2008
Địa điểm: Thư viện – Café Đông Tây, nhà 11A, phố Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại đây, sách thường xuyên được bán với giá ưu đãi.
VỀ NHÀ THƠ HOÀNG CÁT (trích)
Không có thơ tôi chết từ lâu rồi!
PV: Thưa nhà thơ, có bao giờ ông nghĩ đến cái chết?
Nhà thơ Hoàng Cát: Tôi từng là một người lính từ cõi chết trở về nên tôi không hề sợ nó. Tôi xem cái chết bình thường lắm. Trong bài “ Gửi bạn bè” tôi có viết: “Sáu mươi hơn, sáu mươi kém cả rồi;/ Mũi đã ngửi thấy mùi bùn đất,/ Không sợ nữa. Ngọt êm như mật…”. Mà thật ra một phần cơ thể tôi đã chết từ lâu rồi. Con người từ lúc sinh ra đã bắt đầu chết, các tế bào cũ chết đi để sinh ra tế bào mới. Cái chết tồn tại trong sự sống và ngược lại. Nhiều tác giả khác cũng có quan niệm giống tôi, trong đó có tác giả cuốn “Rừng Na Uy”.
- Vậy cảm giác từ cõi chết trở về thế nào nhỉ?
- Dạo tháng 9 năm trước, suýt nữa thì tôi… đi rồi. Hôm đấy tôi mang mấy tập thơ “Cảm ơn vỉa hè” ra bưu điện ở Cửa Nam để gửi tặng bạn bè. Bỗng dưng, bệnh nhồi máu cơ tim tái phát, tôi gục xuống ngay bên đường. Nếu không có người quen ngẫu nhiên trong thấy, chắc…thế là xong. Có một câu đại ý thế này: “ai chưa một lần tự mình bước qua ngưỡng cửa của đời mình thì chưa hiểu hết mình”. May mắn tôi đã đi qua cái ngưỡng ấy mấy lần rồi, và càng thấy yêu mến cuộc đời gấp bội, thấy cần phải sống có ý nghĩa hơn. Vào bệnh viện, bạn bè, gia đình đến thăm, có người thút thít. Tôi cười, đùa rằng: “ tôi chỉ làm nũng cuộc đời một chút thôi mà…”. Sau lần ấy tôi có viết một chùm thơ gồm ba bài, trong đó có một bài lấy tứ từ việc tôi giả vờ “làm nũng”…
- Những lúc như thế thơ đã nâng đỡ tâm hồn, an ninh tâm hồn…
- Đúng vậy, tôi là người luôn cô đơn, buồn bã. Khi vào bộ đội, lý lịch của tôi lúc nào cũng có lời nhận xét: “ sống cô lập, không hoà đồng với quần chúng”. Cũng bởi tôi là nhà thơ nên hơi “khác người” một chút. Nhưng chính thơ đã nâng đỡ cuộc đời tôi. Không có thơ tôi chết từ lâu rồi. Bị mất một chân mà tôi vẫn đi lại và làm việc bình thường, thậm chí còn chơi được thể thao: cầu lông, bơi lội… Những người mới gặp tôi lần đầu, họ đều không tin tôi mang một …chân giả. Và cả lần chết hụt vừa rồi nữa, chỉ có thơ mới giúp tôi bình tâm đến vậy. Thậm chí tôi đã chuẩn bị cho mình một cái chết đẹp. Được chết vào một ngày thu đẹp như thế thì còn gì bằng!
- Vâng, cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Hà Hằng (thực hiện)
Nhà thơ thương binh Hoàng Cát: Trái tim tôi là một nấm mồ
Ta cảm ơn cái vỉa hè bụi bặm
Đã nuôi ta năm tháng cơ hàn... (Cám ơn vỉa hè)
Những câu thơ của Hoàng Cát trong tập thơ Cám ơn vỉa hè làm bạn bè văn nghệ cả nước ứa nước mắt. Cảnh ngộ anh cơ cực quá, đau đớn quá. Trong một bài thơ tặng vợ, anh viết: Mười bảy năm ta chưa đi đến Nhà hát lớn/ Nhưng đã trải qua mười bảy nghề mặn nhạt có nhau.
Đúng là vợ chồng anh phải làm tới 17 nghề kiếm ăn: dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá điếu rồi đi bỏ cho các quán nước; rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc lào, làm bóng bì (món làm bằng da lợn, dùng cho món canh ngày tết), làm nem chạo, nuôi gà công nghiệp, úm gà con giống, nuôi chó ta, chó Nhật, nuôi chim vẹt cảnh, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi lợn...
Vì thế sau này Hoàng Cát có những câu thơ đứt ruột: Chén nước chè năm xu, gói thuốc lào hào bạc/ Cái kẹo vừng dỗ con nít đói cơm... (Cám ơn vỉa hè). Dán hộp đựng thuốc cho Công ty Dược không dễ chút nào. Nhờ quen tay trong và giám đốc xưởng ấy cũng là một thương binh cụt chân, tên là Thông, nên họ thương tình cho nhận về mà dán.
Hai vợ chồng nhiều đêm thức trắng để dán hàng mấy trăm cái hộp, kịp sáng mai đủ hàng trả theo hợp đồng. Gian phòng 12m2 chất đầy hộp giấy, không còn chỗ mà nằm nữa. Đi lại trong nhà cũng phải lách nghiêng, trong lúc chị Tâm mang bầu đứa con đầu lòng, bụng cao vượt mặt.
Sáng sớm ra, anh thương binh Hoàng Cát lại phải đeo chân giả vào, đạp xe thồ đống hộp giấy cao ngất ngưởng trên phố đi nhập hàng, giống như người Nghệ đi bán nồi đất. Hoàng Cát cứ lê lết cái chân giả, cùng với người vợ bị bệnh bướu ba-dơ-đô biến chứng vào tim, cung cúc kiếm ăn...
Mình khổ đã đành, con gái mới chục tuổi đầu cũng phải ngồi chợ bán hàng suốt ngày hè. Bạn bè ai nhìn cháu cũng rơi nước mắt. Con mười ba tuổi ngây thơ/ Nghỉ hè ngồi chợ từ trưa tới chiều/ Nắng ròng dội xuống nhà thiêu/ Nón cời che mặt, chẳng lều chẳng phên... (Tha cho ba).
Mỗi khi tôi hỏi về “chuyện cũ”, anh buồn nhưng lại bảo: “Thôi, đừng nhắc lại chuyện ấy làm gì, mình gần như không còn nhớ đến nó nữa!”.
Nhờ đổi mới, năm 1988, cái tên Hoàng Cát mới được xuất hiện trở lại trên văn đàn. Từ đó đến nay anh đã cho in rất nhiều bút ký, truyện ngắn và thơ. Anh đã xuất bản sáu tập thơ: Tháng giêng dai dẳng, Ngôi sao biếc, Mùa thu, tình yêu, cuộc đời, Thì hãy sống, Cảm ơn vỉa hè...
Thơ Hoàng Cát là thơ tuôn chảy từ trái tim đã chín yêu thương, cay đắng, cháy bỏng một tình yêu Tổ quốc. Sau trận đột quị năm 2005, anh càng nhận chân cuộc đời rõ hơn. Và càng thương phận kiến của con người hơn: Ta lang thang giữa trái đất khô cằn/... Thân con kiến giữa mênh mông sa mạc... (Thân con kiến).
NGÔ MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét