Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

Tâm sự

Chiều nay (15.10.2008) Hội CCBVN Quận I tổ chức họp mặt các đồng chí cán bộ hội viên tham gia chuyến du lịch về nguồn " thăm chiến trường xưa đồng đội cũ" - Đây là lần kỷ niệm thứ tư (15.10.2004 - 15.10.2008 ) Hoahuyen nhận được một bài thơ của Chuẩn đô đốc Hải Quân Lê Kế Lâm - Ông nguyên là GSTS - Nhà giáo Nhân dân - Giám đốc học viện Hải Quân Nha Trang - bài thơ chân thành giản dị thấm đẫm tình đồng đội... Hoahuyen xin được giới thiệu bài thơ đến các bạn gần xa


Tâm sự
Tặng các đồng đội tham gia chuyến về nguồn
"Thăm chiến trường xưa đồng đội cũ" 10.2004

Bốn năm rồi gặp lại nhau
Nghĩa tình đồng đội trước sau vẹn tròn
Người về vui thú nước non
Ta về vui với cháu con xum vầy

Nhớ khi bôn tẩu đó đây
Chiến trường Quảng trị những ngày Mậu Thân (1)
Lênh đênh sông, biển xa gần
Khắp Trung-Nam-Bắc có phần Khơ Me

Cuối đời đậu cạnh hòn tre (2)
Nha Trang chốn ấy đông hè nở hoa
Đã đưa bao chuyến đò qua
Bao người thành đạt, bao nhà hiển vinh

Đẹp thay hai tiếng ân tình
Về nhà ngồi ngẫm sự mình dở hay
Cuộc đời có trải đắng cay
Mới thấm vị ngọt cái ngày cam lai (3)

Về hưu đời vẫn còn dài
Hưu trong Quận nhất ít ai sánh bằng
Giàu nghèo không thể trở ngăn
Mối tình đồng đội vĩnh hằng đẹp tươi

Lê Kế Lâm
(1) Đồng khởi tết Mậu Thân 68
(2) Đảo Hòn tre phía đông Nha Trang
(3) Lấy ý " khổ tận cam lai" trong Kiều

_______________________________________________________






[@more@]

Xin giới thiệu một bài phỏng vấn Chuẩn dô đốc Lê Kế Lâm do PV Phạm Cường thực hiện

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển TP.HCM, nguyên Viện trưởng Học viện Hải quân, phân tích về vị trí của vịnh Vân Phong đối với quốc phòng và những tác động đến lĩnh vực này nếu xây dựng nhà máy thép tại khu vực vịnh.

Ông Lâm nói: "Cần xem xét các dự án đầu tư vào Vân Phong trong điều kiện Vân Phong là vị trí trọng yếu về quốc phòng".

Nơi hiếm có cho hải quân

Mô tả ảnh.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm. (ảnh: PC)
Thưa ông, vị trí chiến lược của Vân Phong đối với quốc phòng cần được xác định thế nào?

Vân Phong là nơi hiếm có dành cho hải quân sơ tán, vì có núi che chắn kín. Mặt khác, Vân Phong rất gần và liên quan mật thiết với Cam Ranh, một căn cứ quân sự tổng hợp với những yếu tố đắc địa: có núi cao vây quanh một cách kín đáo, dễ phòng thủ đồng thời dễ tấn công, dễ khống chế đường biển... được nhiều nước quan tâm. Điều này càng khiến Vân Phong có vị trí quan trọng về quốc phòng, không thể xem thường.

Làm gì cũng cần xem xét cả hai lợi ích: kinh tế và quốc phòng. Đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên mất nhiệm vụ quốc phòng.

Có nhiều ý kiến đặt Vân Phong trong tương quan cạnh tranh giữa các nước, ông có nhìn nhận gì về khía cạnh này?

Trong tương quan thế lực giữa các nước, không loại trừ trường hợp một số nước giàu tìm cách kìm hãm sự lớn mạnh của nước khác, để hạn chế khả năng cạnh tranh. Nhà đầu tư nào khi bỏ tiền ra cũng tính toán kỹ làm sao thu lợi về nhiều nhất. Vân Phong là nơi ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Chúng ta cần xem xét kỹ lợi ích lâu dài của đất nước.

Nguy cơ bị hạn chế phát triển

Mô tả ảnh.
Vân Phong nằm ở tuyến hàng hải quốc tế, có vị trí thuận lợi hơn so với Hồng Kông và Singapore. (ảnh tư liệu)

Ông có thể so sánh giữa lợi ích do nhà máy thép mang lại trong trường hợp dự án được thông qua và lợi ích từ một vịnh Vân Phong được giữ nguyên diện tích để phát triển cảng trung chuyển?

Đứng về lợi ích gần, nhà máy thép chỉ sau vài năm đầu tư là có thể sản xuất, đóng thuế cho Nhà nước, trong khi đầu tư vào vịnh Vân Phong phải bỏ ra hàng chục tỷ USD trong vài chục năm.

Nhưng, dự án nhà máy thép chiếm một phần lớn diện tích của Vân Phong, khiến diện tích còn lại không đủ để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế theo đúng yêu cầu. Xem xét lợi ích mang tính quyết định từ các cảng trung chuyển quốc tế đối với các quốc gia có thể thấy lợi ích lâu dài của Vân Phong.

TIN LIÊN QUAN
Tại sao cứ nhất thiết đặt nhà máy ở Vân Phong, nơi có thể tạo đột phá kinh tế cho Việt Nam, mà không đặt ở nơi khác, chẳng hạn Ninh Thuận, nơi đặt tập đoàn than và khoáng sản, hoặc Bình Thuận, nơi đặt nhà máy điện nguyên tử?

Mặt khác, bài học từ nhà máy Hyundai - Vinashin của Hàn Quốc tại khu vực phía Nam Vân Phong là quá rõ. Ban đầu nhà đầu tư khẳng định dự án sẽ không gây ô nhiễm, nhưng bây giờ ô nhiễm từ hạt Nix không thể giải quyết được. Nhà máy thép này có công suất 8 triệu tấn/năm lại kèm theo một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, dầu hay gas đều gây ô nhiễm rất lớn.

Hiện nay, các nước đều hướng tới sản xuất sạch nên không thể thực hiện các dự án gây ô nhiễm trong nước, phải tìm cách đẩy ra nước ngoài. Vấn đề này cũng cần đặc biệt coi trọng.

Trước mắt, cần tổ chức hội thảo khoa học về Vân Phong, phân tích rõ những tác động nếu đầu tư vào khu vực này, với sự tham dự của những nhà nghiên cứu hàng đầu trong nước, quốc tế.

Chuyển dự án nhà máy thép đi nơi khác?

Ông Ngô Lực Tải, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển TP.HCM: Nhà máy Hyundai ở phía Nam Vân Phong đã gây ô nhiễm, nếu thêm nhà máy thép ở phía Bắc nữa, không thể lường trước được hậu quả với môi trường. Điều dễ nhận thấy của dự án thép là hàng trăm tấn bụi sẽ được thải ra biển, gây ô nhiễm, lấp luồng nước. Đất nước còn nghèo, rất cần đầu tư, nhưng cần bình tĩnh cân nhắc, có thể chuyển dự án nhà máy thép này đến một nơi khác.

TS Huỳnh Vân Kha, Hội khoa học kỹ thuật biển TP.HCM: Thế kỷ 21 là thế kỷ cạnh tranh độ sâu của cảng biển, vì ngày càng nhiều những con tàu siêu trường, siêu trọng. Các nhà kinh tế quan niệm rằng độ sâu cảng biển là tài sản vô giá của quốc gia. Độ sâu tại Vân Phong là mơ ước đối với tất cả các nước có bờ biển trên thế giới. Tôi đã khảo sát nhiều cảng biển trên thế giới, kể cả Đức, nhưng chưa có nơi nào có độ sâu như Vân Phong. Một đại sứ Mỹ từng khẳng định, khu kinh tế Vân Phong sẽ là siêu thị của Việt Nam trong tương lai. Than, dầu khí có thể cạn kiệt, một nơi như Vân Phong sẽ là tài nguyên vĩnh cửu.

Dự án nhà máy thép giống như cái gai đóng vào mũi, sẽ phá sự phát triển của Vân Phong.

Ông Doãn Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật biển TP.HCM: Vân Phong nằm ở tuyến hàng hải quốc tế, có vị trí thuận lợi hơn so với Hồng Kông và Singapore. Trên thế giới, hiếm có vịnh nào đạt độ sâu 30-40m như Vân Phong. Hơn nữa, đây cũng là vịnh quay về hướng nam ít thấy ở Việt Nam, có thể tránh được bồi lắng do dòng chảy từ Bắc xuống Nam. Không có nơi nào trong khu vực có thể thay thế được Vân Phong. Mất Vân Phong, Việt Nam mất cơ hội phát triển trong tương lai.

Vân Phong phải là bàn tiệc của các nước, nhưng người chủ bàn tiệc phải là Việt Nam, dứt khoát không thể là nước nào. Nếu duyệt dự án mà không khảo sát kỹ, tương lai chúng ta có thể phải trả giá đắt.

  • Phạm Cường

Đồi thông một mộ
Thơ : hoahuyen
Nhạc sĩ : Minh Thu tự trình bầy




Không có nhận xét nào: