Thứ Tư, 19 tháng 11, 2008

Anh Chúc Mừng em NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO



607.

Anh Chúc Mừng em
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO
Tặng em X,Y,Z...
Và các
Thày Cô giáo nhân ngày 20.11

Với truyền thống ngàn năm văn hiến
"Tôn sư trọng đạo"... sớm lên người
Dẫu rằng nửa câu hay chữ
Đã là Thày đấy em, ơi!

Ở trường Cô thay Cha Mẹ
Dầy công dìu dắt yêu thương
Lớn lên thành người hữu ích
Dựng xây đất nước quê hương

Công cha như hòn núi thái (*)
Nghĩa mẹ tựa nước trong nguồn
Tâm hồn Thày Cô rèn rũa
Trí, tâm nhân cách vào khuôn

Cầu kiều muốn sang thì bắc (**)
Muốn con hay chữ yêu Thày
Vẻ vang công thành doanh toại
Xin đừng quên kẻ trồng cây

Anh chúc mừng em... Cô giáo
Góp công tâm, trí trồng người
Cổ kim đông tây... trân trọng
Một nghề cao quý em ơi!

Hoahuyen
10.11.2008
(*) Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
(**)Câu cadao: Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy



[@more@]

VỀ CÁCH HIỂU MỘT CÂU CA DAO

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Có nhiều cách hiểu khác nhau về câu ca dao này, lâu nay, cách hiểu thông thường nhất là: Muốn (đi) sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ (giỏi) thì yêu (quý trọng) lấy thầy. Nếu như ở câu thứ hai ý được thể hiện tương đối rõ ràng và hầu như chỉ có một cách hiểu thì ở câu thứ nhất, mọi chuyện có vẻ rắc rối hơn. Muốn đi sang (sông) thì phải bắc cầu, điều đó có lí, nhưng tại sao lại là cầu kiều? Có người giải thích đây là từ ghép của một yếu tố thuần Việt (cầu) với một yếu tố Hán (kiều). Đúng là trong tiếng Hán có một chữ kiều với nghĩa là cái cầu thật, nhưng giải thích như thế xem ra vẫn chưa thật ổn bởi trong tiếng Việt, cách ghép từ kiểu này không phải là hiện tượng phổ biến. Chúng tôi xin nêu một cách hiểu khác để các bạn tham khảo.

Trước hết về chữ kiều, trong tiếng Việt cổ có một từ kiều dùng để chỉ cái yên ngựa. Ca dao còn nhiều câu ghi lại từ kiều với nghĩa là cái yên ngựa:

* Sông sâu ngựa lội ngập kiều

Dẫu anh có phụ còn nhiều nơi thương

* Ngựa ô anh thắng kiều vàng

Anh tra khớp bạc đón nàng về dinh

Còn trong tiếng Hán, cành cây cao và cong cũng được gọi là kiều.

Như vậy, cầu kiều là loại cầu hình cong như cái yên ngựa. Người ta coi đây là một loại cầu đẹp và sang trọng bởi trước đây chỉ có các nhà quyền quý, giàu sang mới có hồ sen trong vườn, giữa hồ có lầu ngồi hóng mát, ngâm thơ. Để đi ra lầu, họ thường xây một chiếc cầu cong như hình cái yên ngựa. Cây cầu ấy gọi là cầu kiều, việc tồn tại của cầu kiều trong vườn nhà như là một biểu tượng, một minh chứng về sự giàu sang, quyền quý với những thú vui tao nhã. Và như thế, câu này phải được hiểu theo nghĩa: Muốn được coi là sang (trọng) thì hãy bắc cầu kiều, còn muốn con giỏi giang, tiến tới thì phải biết quý trọng người thầy. Cũng cần phải nói thêm là ở câu ca dao này, lượng thông tin chủ yếu tập trung ở câu thứ hai, vì thế nên nếu câu thứ nhất có được hiểu chưa chính xác thì cũng không làm sai lệch nội dung của toàn bài.

Trên thực tế, câu ca như một minh chứng về truyền thống tôn sư trọng đạo, một truyền thống đẹp, đã có từ rất lâu đời của dân tộc ta.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), xin gửi các bạn một số câu thành ngữ, tục ngữ nói về người thầy và đạo học:

- Tiên học lễ, hậu học văn

- Không thầy đố mày làm nên

- Học thầy chẳng tầy học bạn

- Thuộc sách văn hay, mau tay tốt chữ

- Một kho vàng không bằng một nang chữ

- Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học

- Ăn vóc, học hay

- Ông bảy mươi học ông bảy mốt

- Dốt đến đâu, học lâu cũng biết

- Người không học như ngọc không mài

- Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi

Lịch sử ngày nhà giáo Việt Nam 20.11

Ngày nhà giáo Việt Nam (hay ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 tại Việt Nam. Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục và là ngày tôn sư trọng đạo nhằm mục đích tôn vinh những người đưa đò.

Tháng 7-1946 có một tổ chức Quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) đã lấy tên là F.I.S.E (Fédertion International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục).

Nǎm 1949 tại hội nghị Vacsxava (Varsovie- thủ đô Ba Lan) tổ chức FISE xâu dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ" bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Trong những nǎm kháng hiến chống thực dân Pháp xâm lược, công đoàn giáo dục Việt Nam đã quan hệ với FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.



Sau khi thành lập một thời gian ngắn (thành lập ngày 22-7-1951) Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên của FISE và được mời dự hội nghị của FISE ở Vienne (thủ đô nước áo) mùa xuân nǎm 1953. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn.

Từ 26 đến 30-8-1957 tại thủ đô Vacxava, hội nghị FISE có 57 nước dự. Công đoàn giáo dục Việt Nam có tham gia quyết định lấy ngày 20-11-1958 ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Những nǎm sau đó còn được tổ chức ở các vùng giải phóng ở miền Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20-11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần chụi đựng gian khổ của anh chị em, giáo viên kháng chiến.

Sau ngày đất nước được thống nhất, giáo giới Việt Nam đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. ý nghĩa của quốc tế hiến chương các nhà giáo đã hoàn thành sứ mạng lịch sử với giáo giới Việt Nam. Song ngày 20-11 đã trở thành truyền thống với mọi nội dung của giáo giới Việt Nam và của nhân dân Việt Nam.


Chính vì thế theo đề nghị của ngành giáo dục ngày 28-9-1982 Hội đồng bộ trưởng (nay thuộc chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT về ngày nhà giáo Việt Nam. Nội dung quyết định có những điều khoản sau:

Trích dẫn:

Điều 1: Từ nay hàng nǎm sẽ lấy ngày 20-11 là ngày nhà giáo Việt Nam

Điều 2: Để ngày 20-11 có ý nghĩa thiết thực hàng nǎm từ tháng 10 các cấp chính quyền và toàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cấp tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và nǎng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

Điều 3: Việc tổ chức ngày 20-11 hàng nǎm do Uỷ ban Nhân dân và Hội đồng các cấp chủ trì, có sự phối hợp các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thǎm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.

Việc tổ chức này nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Điều 4: Trong ngày 20-11 các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương.

Tóm lại: Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo là một hoạt động quốc tế của công đoàn giáo dục Việt Nam. Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày của toàn dân do nhà nước ban hành vǎn bản quy phạm pháp luật quy định , chủ trì tổ chức kỷ niệm là chính quyền và hội đồng giáo dục các cấp. Chúng ta cần phải tuyên truyền cho mọi người hiểu đúng ý nghĩa ngày nhà giáo Việt Nam và tổ chức thực hiện tốt.

Không có nhận xét nào: