Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Xướnghọa-ThểthơĐườngluật ( Hoahuyen 1 )

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 - Hoahuyen xin mở chuyên mục Xướng họa Thơ Đường luật, một thú chơi tao nhã của các bậc tiền nhân xưa... nay vẫn đang nở rộ trên cả nước nhất là những người cao tuổi thường dùng thể thơ này để rèn tâm, trí, đức và thù tạc, phản ánh một phần đời sống tinh thần phong phú " Sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời "... góp phần gìn giữ vốn cổ... kính mong được các bậc cao thâm và các thi hữu gần xa hửng ứng.

Hoahuyen

Thơ mời họa
undefined
TRỌNG TRÁCH TRÊN VAI

Trí thức hơn nhau ở cái đầu
Khả năng hiểu biết rộng và sâu
Nói hay buông chữ tròn xoe nghĩa
Viết sắc rơi từ nhói buốt câu
Giỏi hướng tương lai dân sớm thịnh
Tài xoay hiện tại nước nhanh giầu
Thuyền ra biển lớn cần tài đức
Trọng trách trên vai bắc nhịp cầu

Laonong(458)
(Hoahuyen)

TRỌNG TRÁCH TRAO AI?

Món này khó gặm ít người chơi!
Dẫu đã nỉ năn gẫy đũa mời
Vướng luật câu từ... văn rối rắm
Vướng niêm ý tứ... chữ tơi bời
Lão niên thì thích khen tinh tuý
Lớp trẻ toàn chê bảo dở hơi
Trọng trách trên vai... gánh thế?
"Giữ gìn bản sắc..." Việt nam ơi!


Hoahuyền


Bài họa 1
NHỮNG CHUYẾN ĐÒ NGANG

Mỗi chuyến đò ngang vẫn đứng đầu
Quản gì sóng cả với nông sâu
Dòng tâm luôn thắm tươi màu chữ
Nguồn đức vẫn đầy thắp sáng câu
Trọn nghiệp vun trồng không hám lợi
Suốt đời dâng hiến chẳng ham giầu
Miệt mài chở chữ qua sông lớn
Mỗi chuyến đò sang tựa chiếc cầu.

Lươngthephiet
19.11.2009




Bài họa 2
Khai đường sáng

Mấy mươi năm đã nhuốm sương đầu
Thầy vẫn tận lòng ước vọng sâu
Giúp trẻ dày công mài chữ nghĩa
Nắm tay gò viết đẹp từng câu
Mai sau đất nước thêm hưng thịnh
Ngày đến muôn nơi được sướng giầu
Phía trước dù muôn vàn lối khó
Khai đường tâm vững hướng qua cầu

đông hòa Nguyễn Chí Hiệp
20.11.2009






Bài họa 5
KHÔNG ĐỀ 1

Thầy Cô gương sáng - Đức làm đầu,
Nghĩa lớp , tình trường mãi nặng sâu.
Đãi cát tìm vàng rèn đẹp chữ,
Khai tâm mở trí luyện hay câu.
Lòng mong lớp trẻ nhanh tài đức,
Dạ muốn non sông sớm mạnh giàu.
Bởi vậy Thầy Trò luôn gắng sức
Bền gan vững chí vượt qua cầu!

Võ Ngọc Sơn






Bài họa 3
LÃNH ĐẠO

Lãnh đạo là luôn biết dẫn đầu
Hướng vào lĩnh vực mới cao sâu
Đón đầu xu thế không cần đợi
Đi trước nhu cầu lọ phải câu
Tỉnh táo thì đâu đến nỗi hố
Cao mưu chắc hẵn sẽ mau giầu
Thị trường mới đúng nơi rèn luyện
Tài cán cần ai bắc hộ cầu

Hồ Văn Thiện
20.11.2009



Bài họa 4
GHI TẠC CÔNG THÀY CÔ

Thày ban Trí Đức, tích trong đầu
Ngẫm lại cả đời ý thật sâu
Trước học lễ nghi thông vạn lẽ
Sau rèn chữ nghĩa thấm từng câu
Nhân tài giúp nước yên bờ cõi
Tiềm lực xây non Tổ Quốc giầu
Ghi tạc công ơn thày dạy dỗ
Khai nguồn trí tuệ sánh toàn cầu

hadinhchung
20.11.2009



Bài họa 6
KHÔNG ĐỀ 2

Cái gì ai cũng đặt trên đầu ?
Cao chóp rộng xòe khoét lõm sâu
Mắt lớn che nghiêng thò mũi quặm
Tai to úp xéo ló cằm câu
Ngày thường vênh váo khoe môi quý
Tháng hạn lấm le giấu trán giàu
Mưa nắng tiết thời nào biết được
Lỡ mai gió lớn tọt rơi cầu

Bs Tản
Học trò trường thuốc
Bài họa 7

Tài Trí

"Trọng Trách Trên Vai"
hẵn đứng đầu
"Đò Ngang bác Phiệt" ý thâm sâu
Văn chương gói gọn năm ba chữ
Ngữ nghĩa trang đầy mấy chục câu
"Lãnh Đạo" khôn ngoan ban quyết sách
Nhân dân hạnh phúc hưởng sang giàu
Thi thơ chính trị như nhau cả
Trí thấp tài ương chớ cưỡng cầu

Phieuvan_Thlangdu

Bài họa 8

Đồ giả

Muốn làm học giả ngẩng cao đầu
Bằng cấp thầy mua mộc đỏ sâu
Ra huyện khoe mình rằng học tốt
Đến trường viết chữ chẳng thành câu
Cửa công múa bút lòe cu nhỏ
Về xóm khua trương hách kẻ giầu
Đến lúc khui ra bằng giảo mạo
Đêm khuya ông đã nhảy qua cầu
( tự vận á )

donghoa nguyenchihiep

Bài họa 9

Tự trào Đường Thi
Họa cùng "Trọng Trách Trao Ai?".

Lúc trắc khi bằng há giỡn chơi
Không thông hạn luật dễ đâu mời
Mù mờ tự loại câu toang toác
Chệch choạng vần niêm tứ rối bời
Đĩnh đạc thâm trầm còn thiếu chữ
Cuồng ngông lấc cấc hẵn thừa hơi
Đường Thi chắt lọc bao tinh túy
Xét lại thơ mình thấy hỡi ơi


Phieuvan_Thlangdu


Bài họa 10
XƯỚNG HỌA THƠ ĐƯỜNG




Xướng họa xem ra thấy nhẹ đầu

So chi cao thấp luận khơi sâu

Mong mang nhân ái gieo thi phú

Nguyện lấy vô thường dệt chữ câu

Ẩn sĩ khinh danh đời tạo phúc

Cao nhân luyện đức nghiệp thêm giàu

Tương giao thơ cổ thần an tọa

Bạn hữu dung hòa trộm khấn cầu.

NICO






BÌNH THƠ: BÀI HỌA CỦA HADINHCHUNG

Anh hadinhchung kính, đây là một vài ý kiến nhanh của hoahuyen đối với bài họa của anh:



GHI TẠC CÔNG THÀY CÔ



Thày ban Trí Đức, tích trong đầu

Ngẫm lại cả đời ý thật sâu

Trước học lễ nghi thông vạn lẽ

Sau rèn chữ nghĩa thấm từng câu

Nhân tài giúp nước yên bờ cõi

Tiềm lực xây non Tổ Quốc giầu

Ghi tạc công ơn thày dạy dỗ

Khai nguồn trí tuệ sánh toàn cầu



hadinhchung



Trong tất cả các bài thi hữu gần xa đã họa thì “ GHI TẠC CÔNG ƠN THÀY CÔ” của Nhà thơ hadinhchung có lẽ theo ý kiến rất riêng ( có thể khác với cảm nhận của một số bạn ) là bài họa hay nhất vì những lý do sau :



* Họa = vẽ lại một bức tranh khác cùng đề tài ( có thể đẹp hoặc xấu hơn là do tài năng của người “họa” và có thể đối nghịch lại cả “người xướng” )



* Bài họa đối luật, không phản đề vì : “ Bài họa đã diễn đạt lại được toàn bộ ý chính (nội dung) của bài xướng, không lạc đề. đối luật với bài xướng, vì bài xướng luật trắc - bài họa của Bác hadinhchung luật bằng, họa cùng một tư tưởng đánh giá cao vai trò của trí thức và Nhà giáo đối với xã hội…. Nghiêm túc xét về luật : đây là bài chắc luật, vững liêm, họa và đối khá chỉnh, khó bắt bẻ, 56 chữ chỉ có 2 chữ trùng lặp đó là chữ “Thày” nhưng là 2 chữ “đắt” đúng chỗ, nhấn mạnh và khẳng định vài trò của người Thày trong việc trồng người



Trước hết ta xem 2 câu đề :



Thày ban Trí Đức, tích trong đầu

Ngẫm lại cả đời ý thật sâu




Nhiệm vụ chính của người Thày là dạy học và rèn người. dạy học là cho “chữ” tức là cho iến thức để làm hành trang vào đời, mặt khác thày cô còn có nhiệm vụ cực kì quan trọng đó là rèn rũa hình thành nhân cách… đạo đức của học sinh để thực sự trở thành CON NGƯỜI đúng nghĩa có ích cho xã hội – 2 câu đề quá rõ ý, mạch lạc câu văn…


Tiếp 2 câu thực : tả thực những việc mà nghề nhà giáo đã được xã hội quy định



Trước học lễ nghi thông vạn lẽ

Sau rèn chữ nghĩa thấm từng câu




“Tiên học lễ hậu học văn” – muốn làm NGƯỜI trước phải thông lễ nghi, hiểu vạn lẽ, uốn nắn từ việc đi, đứng, nói năng, chào hỏi, thưa gửi, kính trên nhường dưới dần dần hình thành con người “đối nhân xử thế chu toàn”
Sau học chữ, tích lũy kiến thức để thấm và ngấm từng câu… có ý muốn nói học đến nơi, đến chốn, hiểu cặn kẽ từng vấn đề một cách thấu đáo, khoa học, tránh hời hợt….



Tiếp 2 câu luận :

Nhân tài giúp nước yên bờ cõi

Tiềm lực xây non Tổ Quốc giầu



Một lời bình hay : Khi là người đã có tâm tầm trí, đức thì hằn đó là hiền tài giúp nước cũng chính là tiềm lực xây dựng tổ quốc giàu mạnh – một người hoàn chỉnh lý tưởng có lẽ cần hội đủ các yếu tố:
• Tâm trong sáng – Đức cao đẹp - Trí uyên bác – Hành mẫu mực và sống “ cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư “ ( hehehe, khó nhỉ )



Tiếp 2 câu kết :

Ghi tạc công ơn thày dạy dỗ

Khai nguồn trí tuệ sánh toàn cầu



Có lẽ không cần bình nữa vì nó đã rõ như ban ngày
Một bài họa thơ đường chỉnh, hay, có tầm tư tưởng lớn, câu văn chau chuốt, bay bổng... chúc bác hadinhchung nhiều cảm xúc cho nàng thơ


Hoahuyen

22.11.2009

Một số kiến thức cơ bản cần thiết về
CÁC THỂ THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

» Tác giả: ...
» Dịch giả:
» Thể lọai:
Biên khảo
» Số lần xem: 276

1. CÁC THỂ THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT


Có 2 thể thức họa thơ Đường luật là: Họa Hạn Vận và Họa Phóng Vận.


1.
HỌA HẠN VẬN:
Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa Hạn Vận nầy khác với thể Họa Phóng Vận, vì họa hạn vận không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải:
- Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn. ...


- Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định.


Thí dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau:
a.
Đầu đề (nội dung) là:


Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám dở mùng chun vô


b.
Năm vần hạn định theo thứ tự là: xô - cô - vô - ô - rô.
Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu !!!
... như sau đây:


Nào phải là ai dám giục xô
Thuận tình trước hết tự nơi cô
Có cho mới dám trao dùi đánh
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
Ham vui quên hết chuyện dâm ô
Thói hư thuần thước xưa còn lạc
Đừng học làm chi gióng nhảy rô



Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó. Hoàng Thứ Lang kể lại một câu chuyện như sau:
Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đão Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:
- Đầu đề: Xuân Khuê
- Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ - thơ
- Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:


Xuân Khuê


Một mong hai đợi bốn ba chờ
Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
Nửa gối năm canh gà gáy giục
Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
Chín khúc bên lòng vạn mối tơ
Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ


Phan Mạnh Danh



2.
HỌA PHÓNG VẬN
Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).


Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.
a. Họa Nguyên Vận: là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.
b. Họa Đảo Vận: là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.
c. Họa Hoán Vận: là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.
d. Họa Tá Vận: Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm.



CHÚ Ý QUAN TRỌNG: Trong thể thức Họa Vận, không được dùng trùng từ thứ 6 trong các câu có vần của bài xướng. Tức là không được dùng lại từ đứng trước của 5 vần bài xướng. Nói dễ hiểu là không được dùng lại chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng. Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được.
Hoạ Thơ bao gồm 2 phần chính quan trọng sau đây:
Đã có một bài thơ sẵn trước gọi là Bài Xướng. Bài xướng có thể chọn 1 bài đã có sẵn từ xưa, từ trước, hoặc 1 bài do 1 người khác làm trước "thách đố" cho người khác đáp lại. Người đáp lại thì bài reply đó gọi là Bài Họa. Bài họa phải có ít nhất 3 yếu tố quan trọng sau đây:
1. Họa vần: 5 vần tức là 5 tiếng (chữ) cuối của các câu 1-2-4-6-8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi. Chỉ cần sai 1 trong vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị Fail.2. Bài xướng nói lên ý (main idea) gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.3. Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại.4. Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen 1 vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).Tóm lại 3 yếu tố 1-2-3 là cần thiết cho 1 bài họa xuất sắc.Sau đây là một thí dụ về xướng họa điển hình để làm mẫu. Hai bài này nổi tiếng trong văn học Việt Nam.
Bài Xướng:


TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
(của Tôn Thọ Tường)


Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng



Bài Họa:


TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
(của Phan Văn Trị)


Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng


Những bài thơ minh họa cho các thể thức Họa Thơ.
1.
HOẠ HẠN VẬN:
Thí dụ:


- Hạn đề:
"Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám dở mùng chun vô"


- Hạn vận:
Xô - Cô - Vô - Ô - Rô


Bài họa:


Nào phải là ai dám giục xô
Thuận tình trước hết tự nơi cô
Có cho mới dám trao dùi đánh
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
Ham vui quên hết chuyện dâm ô
Thói hư thuần thước xưa còn lạc
Đừng học làm chi giống nhảy rô



2. HỌA PHÓNG VẬN:
Thí dụ 1:


a.
Họa nguyên vận:


Bài xướng:


TƯƠNG TƯ


Tương giang hai đứa ở hai nơi
Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
Nét chữ run run ý cạn lời
Định số an bài mang khổ hận
Đêm trường thổn thức máu tim rơi


Hoàng Thứ Lang
11/8/05



Bài họa:


TƯƠNG TƯ


Mỏi gót phiêu bồng khắp mọi nơi
Về đâu trên vạn nẻo đường đời
Mưa buồn đổ mãi mưa buồn hỡi
Tuyết trắng rơi hoài tuyết trắng ơi
Muốn nhắn đôi câu mà nghẹn ý
Mong trao mấy tiếng lại ngăn lời
Dòng sông ly biệt nào chia lối
Ngắm dải Ngân Hà đếm lệ rơi


Hoàng Thứ Lang
11/8/05


b. Họa đảo vận:


Bài xướng:


TƯƠNG TƯ


Tương giang hai đứa ở hai nơi
Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
Nét chữ run run ý cạn lời
Định số an bài mang khổ hận
Đêm trường thổn thức máu tim rơi


Hoàng Thứ Lang
11/8/05



Bài họa:


TƯƠNG TƯ


Lất phất bên thềm tuyết trắng rơi
Niềm riêng ấp úng chẳng nên lời
Hai hàng lệ tủi than trời hỡi
Một áng thơ sầu khóc bạn ơi
Rẽ yến chia oanh hờn số kiếp
Lìa loan rã phụng lỡ duyên đời
Sông Tương uống cạn dòng thương nhớ
Giang vĩ giang đầu đứa mỗi nơi


Hoàng Thứ Lang
11/8/05


c. Họa Hoán Vận:


Bài xướng:


TƯƠNG TƯ


Tương giang hai đứa ở hai nơi
Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
Nét chữ run run ý cạn lời
Định số an bài mang khổ hận
Đêm trường thổn thức máu tim rơi


Hoàng Thứ Lang
11/8/05



Bài họa:


TƯƠNG TƯ


Gởi gió nhờ mây nhắn mấy lời
Trao người yêu dấu của tôi ơi
Đường mơ vạn nẻo đành riêng lối
Bến mộng đôi bờ phải khác nơi
Bóng chiếc phòng đơn sầu lệ đổ
Đèn khuya gác vắng tủi châu rơi
Ai xui hai đứa mình dang dở
Chẳng trọn cùng nhau suốt cuộc đời


Hoàng Thứ Lang
11/8/05


d. Họa Tá Vận (mượn vần):


Bài xướng:


TRUNG THU


Trăng thu toả sáng nhớ xa xăm
Tháng tám chờ trông đến bữa rằm
Mẹ dán lồng đèn chơi suốt sáng
Cha làm trống ếch đánh quanh năm
Xa rồi cảnh cũ lòng se lạnh
Tiếc mãi ngày xưa lệ ướt dầm
Chiếc lá chao mình trong gió sớm
Nghe chừng vọng lại thoáng dư âm


Hoàng Thứ Lang
Oct 05, 2006



Bài họa:


XIN XĂM


Mẹ dẫn lên chùa để thỉnh xăm
Hôm nay trăng sáng đúng đêm rằm
Cầu xin phúc lộc vào nguyên tháng
Khấn nguyện bình an đến trọn năm
Giữa Hạ oi nồng đừng nắng gắt
Trung Thu mát mẻ chớ mưa dầm
Đưa tay vói rút ồ hên quá
Thượng thượng ngon lành chẳng bị âm


Bạch Mai
Oct 06, 2006


Hoạ thơ Đường luật


Họa vần là sáng tác một bài thơ thường gọi là bài họa dựa trên hệ thống vần của một bài thơ có trước thường gọi là bài xướng.


Thơ Đường luật có nhiều thể như thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú.
Nếu thể thơ thất ngôn bát cú thì toàn bài có năm vần là chữ cuối cùng của các câu 1, 2, 4, 6, 8.
Những chữ vần thường là thanh bằng (có một số bài làm theo vần trắc, thì các chữ ở vị trí này là thanh trắc).


Sau khi có bài xướng, người làm thơ họa sáng tác một bài khác, dùng lại đúng năm chữ vần của bài thơ xướng, với điều kiện chỉ dùng chữ cuối, không được dùng chữ kế cuối.


Nếu dùng lại chữ kế cuối là phạm nguyên tắc "khắc lục", là lỗi cấm kỵ trong họa vần thơ Đường luật.


Bài họa phải diễn đạt lại ý chính (nội dung) của bài xướng, không được lạc đề.


Thường là bài họa phải đối luật với bài xướng, nếu bài xướng luật bằng thì bài họa phải luật trắc và ngược lại. Kẹt lắm mới làm bài họa đồng luật với bài xướng.
Thí dụ:


Bài xướng:


Vườn rau Cẩm Tú


Thầy cho xới lại mảnh vườn hoang
Cẩm Tú đem phân ủ mấy hàng
Củ cải gieo gần dây mướp đắng
Su hào tỉa cạnh gốc khoai lang
Thì là diếp cá lên muôn lối
Húng đổi cần tây mọc khắp đàng
Tứ phía rau xanh nhìn mát mắt
Tha hồ cải thiện bữa ăn...
sang


Cẩm Tú



Bài hoạ::


Vườn rau Cẩm Tú


Cẩm Tú gieo trồng mảnh đất hoang
Rau xanh thẳng tắp rất ngay hàng
Ngò om óng mượt bên giàn mướp
Húng quế thơm lừng kế luống lang
Bí rợ tần ô lên bít lối
Dưa leo ớt hiểm mọc đầy đàng
Chiều chiều đứng ngắm lòng thanh thản
Cuộc sống quê nghèo ngẫm lại...
sang


Hoàng Thứ Lang


Không được dùng lại chữ thứ 6 (chữ kế cuối) trong các câu cước vận (câu 1-2-4-6-8) của bài xướng và tất cả những bài đã hoạ trước.
5 chữ vần của bài hoạ không được khác nghĩa với 5 chữ vần của bài xướng.Coi như bài hoạ là bản copy những nét căn bản về ý và vần của bài xướng, vì vậy bài hoạ phải cùng một tựa đề với bài xướng.Hoạ thơ Đường luật không đến nổi quá khó nhưng không phải dễ dàng như nhiều người đã lầm tưởng !Hoạ sai một vần gọi là xuất vận: không được.Hoạ sai nghĩa một vần gọi là xuất ý: không được.
--

Bài đọc thêm


Xướng hoạ thơ Đường luật là có hàm ý đối hoạ ở trong đó.
Người ta xướng ra mình phải đối đáp lại, vì vậy nếu chỉ một bài xướng và một bài hoạ thì bài hoạ bắt buộc phải đối luật với bài xướng. Thí dụ bài Tôn Phu Nhân Qui Thục xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Phan Văn Trị.Trường hợp bất khả kháng không thể đối luật được thì có thể châm chế hoạ đồng luật, nhưng bài hoạ đồng luật sẽ bị giảm giá trị vì không đáp ứng đúng thể thức xướng hoạ đúng cách.Bắt đầu những bài hoạ sau đó (nếu có) thì có thể dùng luật gì cũng được.
Hoạ thơ là "vẽ lại" hình ảnh của bài xướng cho nên phải trung thực với bài xướng về ý cũng như vần.
Hoạ sai ý bài xướng là không đạt.Hoạ sai bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất vận: không đạt. Xuất vận là đi ra khỏi sự hạn định về vần của bài xướng.Hoạ sai nghĩa bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất ý: không đạt. Xuất ý là đi ra khỏi ý nghĩa chữ vần của bài xướng.
Hoạ thơ Đường luật đúng cách rất khó.


Khi bạn bè (thi hữu) chung vui xướng hoạ với nhau, có thể dùng thể thức Hoạ Tá Vận (tức là mượn vần) để hoạ những vần tử vận và tử ý. Cách nầy không đạt nhưng cốt là để cùng nhau vui vẻ mà thôi. Nhưng cũng không nên đi xa thi đề (nội dung của bài xướng). Thí dụ bài Cảm Vịnh Cây Mai xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Đông Hồ.
Lấy thí dụ tử vận xót xa không thể nào hoạ nguyên vận theo chính hoạ được. Chúng ta có thể hoạ tá vận (mượn vần) theo bàng hoạ là xa xa, từ xa, đàng xa v.v... chẳng hạn. Dĩ nhiên là sai nghĩa của chữ xót xa rồi (bởi vậy mới bị xuất ý: không đạt), nhưng cốt để cùng nhau vui vẻ mà thôi.
Chúng ta học thơ Đường luật chính thể, cho nên phải học kỹ về chính luật, chính vận, chính đối, chính hoạ.


Thông vận, bàng đối và bàng hoạ...
không xuất sắc.
Làm thơ, nếu dùng thông vận thì nên dùng cận vận mà không nên dùng viễn vận. Viễn vận và cưỡng vận không hay, hạn chế dùng.
Luật bất luận trong thơ Đường luật chính thể


Người xưa đã nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ càng chu đáo khi đặt ra luật thơ chính luật cho thơ Đường luật. Theo chính luật thì bài thơ sẽ có âm điệu du dương trầm bổng đọc hoặc ngâm nga rất êm tai truyền cảm. Thơ không phải chỉ để đọc mà còn để ngâm vịnh nữa, cho nên âm điệu rất quan trọng vì nó tạo ra nhạc tính cho bài thơ. Do đó người ta nói trong thơ có nhạc trong nhạc có thơ là bởi lẽ đó. Bài thơ mà không tuân theo thanh luật tức là luật về âm thanh hay nói khác đi nếu bài thơ mà không tuân theo luật thơ khi đọc lên thì nghe rất chỏi tai, ngâm vịnh thì bị chỏi miệng trẹo lưỡi mà trong thơ gọi là khổ độc.Tuy nhiên trong một vài trường hợp đặc biệt, có những chữ không thể sửa đổi để khép vào khuôn khổ của luật thơ (chính luật) được. Đó là những chữ thuộc về thành ngữ, điển tích, chuyên ngữ, thuật ngữ, danh từ riêng ... Vì vậy mà người ta đặt thêm luật bất luận để áp dụng cho những trường hợp đặc biệt này. Nhưng luật bất luận cũng có sự qui định chặt chẽ phải tuân theo một cách nghiêm ngặt không thua gì chính luật.Một vài thí dụ về thành ngữ, điển tích, chuyên ngữ, thuật ngữ, danh từ riêng không thể sửa theo chính luật được, như sau:


- Thành ngữ: tang điền thương hải, học tài thi mạng, tháo củi sổ lồng ...


- Điển tích: kết cỏ ngậm vành, nghiêng nước nghiêng thành, bình rơi trâm gãy ...


- Chuyên ngữ, thuật ngữ: tam bộ cửu hậu, tứ chẩn bát cương, cữu hư hoãn bổ ...


- Danh từ riêng: Mỵ Châu, Thúy Kiều, Kim Trọng, Đạm Tiên, Bá Nha, Tử Kỳ ...



So sánh đối chiếu với chính luật:


- Thành ngữ: non thề biển hẹn, quốc phá gia vong, nhà tan cửa nát ...


- Điển tích: cử án tề mi, thiên kiều bá mỵ, chim sa cá lặn, hoa tường liễu ngõ ...


- Chuyên ngữ, thuật ngữ: tứ chứng nan y, đau chân há miệng, bảng hổ danh đề ...


- Danh từ riêng: Ngưu Lang, Chức Nữ, Trương Chi, Trọng Thủy, Lưu Thần, Nguyễn Triệu ...



Vì những sự kiện đặc biệt như đã dẫn chứng trên nên luật bất luận được ra đời để áp dụng cho những từ ngữ đặc biệt không thể sửa đổi này.


Sau đây là bảng luật bất luận cho thơ Đường luật chính thể:


1.
LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:


b - B - t - T - T - B - B (vần)
t - T - b - B - T - T - B (vần)
t - T - b - B - B - T - T (đối câu 4)
b - B - t - T - T - B - B (vần) (đối câu 3)
b - B - t - T - B - B - T (đối câu 6)
t - T - b - B - T - T- B (vần) (đối câu 5)
t - T - b - B - B - T - T
b - B - t - T - T - B - B (vần)



2.
LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:


t - T - b - B - T - T - B (vần)
b - B - t - T - T - B - B (vần)
b - B - t - T - B - B - T (đối câu 4)
t - T - b - B - T - T - B (vần) (đối câu 3)
t - T - b - B - B - T - T (đối câu 6)
b - B - t - T - T - B - B (vần) (đối câu 5)
b - B - t - T - B - B - T
t - T - b - B - T - T - B (vần)



Ghi chú quan trọng:


- Những chữ viết hoa đứng ở vị trí 2-4-5-6-7 của mỗi câu bắt buộc phải giữ theo đúng chính luật.
- Những chữ viết thường đứng ở vị trí thứ 1-3 không bắt buộc phải giữ đúng theo chính luật. Tuy nhiên chỗ mà theo chính luật là trắc ta làm ra bằng thì không sao nhưng chỗ mà theo chính luật là bằng thì không nên làm ra trắc. Riêng chữ thứ 1 có thể linh hoạt hơn, gặp chỗ là bằng cũng có thể làm ra trắc nếu không thể tìm ra chữ khác hay hơn để thay thế. Trường hợp bất khả kháng, đối đế lắm cũng có thể áp dụng cho chữ thứ 3 giống như chữ thứ 1, nghĩa là đáng lẽ bằng mà vì kẹt phải làm ra trắc. Tuy nhiên không nên lạm dụng luật bất luận mà làm bài thơ trắc trở không êm tai.Bằng là suông sẻ, trắc là trắc trở, vì vậy chỗ đáng trắc mà làm ra bằng thì suông sẻ, nhưng chỗ đáng bằng mà làm ra trắc thì trắc trở, không nên.
Bài thơ thí dụ làm mẫu để minh hoạ cho luật bất luận:


1.
Luật trắc:


Tôn Phu Nhân Qui Thục
(Bài xướng)


Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Má hồng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng


Tôn Thọ Tường



2.
Luật bằng:


Tôn Phu Nhân Qui Thục
(Bài hoạ)


Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi đông
Khói toả đồi Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cang thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng


Phan Văn Trị


Ghi chú: đây là 2 bài thơ xướng hoạ nổi tiếng trong văn học sử Việt Nam, chúng ta nhận thấy tác giả áp dụng luật bất luận đúng y như trong phần giải thích ở trên, và dùng cũng rất hạn chế.



2009-03-16 11:30:13


Không có nhận xét nào: