900.
RẺ BẤT NGỜ
Nộp đủ ba trăm, rẻ bất ngờ
Thế là có thẻ, hoá nhà thơ
Làng trên ríu rít toàn thi hữu
Phố dưới huênh hoang lắm gã khờ
Thoải mái tâm hồn gieo mộng ảo
Tha hồ chữ nghĩa dệt vàng tơ
Ai ai cũng ngỡ mình... thi sĩ
Tự sướng ru nhau,thật rõ... mơ!
Hoahuyen
RẺ BẤT NGỜ
Nộp đủ ba trăm, rẻ bất ngờ
Thế là có thẻ, hoá nhà thơ
Làng trên ríu rít toàn thi hữu
Phố dưới huênh hoang lắm gã khờ
Thoải mái tâm hồn gieo mộng ảo
Tha hồ chữ nghĩa dệt vàng tơ
Ai ai cũng ngỡ mình... thi sĩ
Tự sướng ru nhau,thật rõ... mơ!
Hoahuyen
26.2.2014
26.02.2014 09:43
(NHN) Nhân dịp ngày thơ Việt Nam lần thứ 12, Nguyên Tiêu 2014 được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một nhóm người đã phát tờ rơi cho các khách mời có mặt tại đây.
Nội dung của tờ rơi này là mời tham gia vào Thi đàn Việt Nam, ghi danh xét kết nạp hội viên và hoạt động thơ trên truyền hình. Tìm hiểu thực tế chúng tôi có cảm nhận rằng, chưa bao giờ trở thành nhà thơ lại dễ dàng đến như vậy, bởi chỉ cần 300.000 đồng là có thể trở thành Hội viên và 1 triệu đồng đã có thể sở hữu trang web cá nhân mà như các “phóng viên” bên Thi đàn Việt Nam giới thiệu “đây là tài sản để lại cho mai sau”…
Được mời làm nhà thơ… giá rẻ
Theo thông lệ truyền thống hàng năm, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội ngày hội Thơ lại được diễn ra. Năm nay, Ngày thơ Việt Nam được khai mạc long trọng với nhiều hoạt động sôi nổi vào sáng 14/2. Có mặt tại Văn Miếu, Phóng viên bất ngờ khi được nhận một tờ rơi với nội dung “mời tham giam Thi đàn Việt Nam và các hoạt động thơ trên truyền hình”. Tờ rơi này giới thiệu “Thi đàn Việt Nam trực thuộc Viện Khoa học và Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực, có nhiệm vụ kết nối, giới thiệu những gương mặt thơ tiêu biểu. Thi đàn Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam – VTV và truyền hình Hà Nội – HTV đã thực hiện thành công nhiều chương trình thơ”.
Thẻ này được cấp cho hội viên Thi đàn hay hội viên Viện Khoa học và Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực
Đặc biệt, nhân dịp ngày thơ Việt Nam 2014, Thi đàn mời ghi danh xét kết nạp hội viên và nhận vé mời tham dự ghi hình chương trình “không gian thơ”. Không những vậy, tờ rơi này còn ghi rõ rất nhiều quyền lợi mà các hội viên sẽ được nhận khi tham gia Thi đàn như: “Tham gia các hoạt động trên truyền hình VTV, HTV về thơ ca (đọc thơ, giao lưu thơ…); Tham gia các sự kiện giao lưu thơ hàng tháng do Thi đàn tổ chức; Tham gia gửi bài xét đăng trên các sách, tạp chí thơ do Thi đàn liên kết xuất bản; Tham gia đăng tác phẩm trên trang web của Thi đàn với hàng triệu độc giả và được cấp thẻ trang trọng chứng nhận hội viên Thi đàn Việt Nam.
Phóng viên là một người yêu thơ và làm thơ không chuyên, nên sau khi nhận được tờ rơi này đã thực sự “xao lòng” trước những thông tin trên. Có thể nói, đây là cơ hội không thể tốt hơn để được công nhận là nhà thơ, là hội viên của một Thi đàn với hơn 10.000 hội viên, được tham gia giao lưu các hội thơ lớn nhất Việt Nam. Không những vậy, biết đâu lại có cơ may được xuất hiện trong chương trình CLB thơ trên sóng VTV1, có cơ hội được đọc thơ của mình và được đưa vào danh sách chọn lọc làm phóng sự riêng trên VTV1 và nhiều đài truyền hình khác như “Ban biên tập” Thi đàn giới thiệu.
Liên hệ qua số điện thoại được ghi trong tờ rơi, Phóng viên càng bị thuyết phục hơn bởi những lời nói nhẹ nhàng, ân cần hướng dẫn và trả lời những thắc mắc của người tự xưng là thành viên Ban biên tập Thi đàn. Điều này trái ngược hoàn toàn với cách nói chuyện và các thủ tục phức tạp thường gặp tại các CLB thơ khác. Theo hướng dẫn, chỉ cần chuẩn bị ảnh 3x4 và 10 bài thơ để làm tư liệu, cùng 300.000 đồng để đóng hội phí 3 năm là đủ điều kiện tham gia và được hưởng rất nhiều các quyền lợi từ Thi đàn. Điều tuyệt vời hơn, Phóng viên không phải chờ đợi lâu mà được mời đến làm việc tại văn phòng Thi đàn vào ngay sáng hôm sau, với những tiêu chí như vậy, cơ hội sở hữu một chiếc thẻ hội viên để được công nhận là nhà thơ đã gần hơn bao giờ hết…
Tưởng rẻ… mà không rẻ
Đúng 9h sáng hôm sau, PV có mặt tại phòng 709, tòa nhà B3B khu Đô thị Nam Trung Yên – Cầu Giấy – Hà Nội. Trụ sở Thi đàn được thiết kế khá đơn sơ với căn phòng khách được sử dụng làm “trường quay” kiêm nơi tiếp khách. Điều làm PV bất ngờ là cũng có không ít người cùng nguyện vọng như mình, khoảng gần 10 người từ 60 - 70 tuổi đã đến đây từ rất sớm. Một cô gái tầm 24-25 tuổi chỉ dẫn tận tình các hội viên mới, điền vào bảng đăng ký, nộp ảnh và 10 bài thơ như đã được thông báo. Sau đó tất cả mọi người được hướng dẫn vào căn phòng bên trong để nghe giới thiệu và phổ biến về Thi đàn. Theo một người có tên là K.O, cô chính là người phụ trách các sự kiện lớn nhỏ của Viện Khoa học và Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực cũng như của Thi đàn Việt Nam. K.O là người được ủy quyền của Hội đồng biên tập để chia sẻ những thông tin về Thi đàn Việt Nam cho các Hội viên mới.
Phải công nhận, K.O là một cô gái còn khá trẻ nhưng ăn nói rất tốt và trôi chảy, kết hợp với chiếc laptop và một chiếc máy chiếu, K.O đã khiến tất cả mọi người phải “há hốc” miệng để nghe và nhìn. Đầu tiên, K.O giới thiệu cho mọi người hoạt động của thi đàn tại trường quay đài truyền hình VN, trên màn hình là chương trình “CLB thơ – Ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam” và MC Thảo Vân có nhắc đến các thành viên của Thi đàn Việt Nam với tư cách… khán giả. K.O cho biết đây là một chương trình mà Thi đàn đang phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam để thực hiện và sau này các hội viên chính là đối tượng tham dự để chia sẻ thơ của mình đến khán giả cả nước. Cô gái này cũng cho biết khi đã là thành viên, mỗi tháng hội viên sẽ được tham dự 2 số thơ tại trường quay S10 Đài truyền hình Việt Nam và nhiều số thơ của nhiều đài truyền hình khác. Thêm vào đó, có một chương trình hoạt động thường xuyên diễn ra vào sáng thứ 7 hàng tuần và được ghi hình tại “trường quay” của Thi đàn, đối tượng tham dự chính là các hội viên...?
Sau khi giới thiệu rất nhiều về các hoạt động của thi đàn, K.O nói về “giá trị” của tấm thẻ hội viên. Theo người phụ trách này, các hội viên mới chỉ cần hoàn thành bản đăng ký, sau đó “Phóng viên” sẽ hoàn thiện nốt và chỉ 3 ngày sau sẽ được đích thân Phó viện trưởng trao thẻ cho các hội viên mới tại buổi giao lưu kế tiếp trước sự chứng kiến của đông đảo những người yêu thơ. Cũng nhân dịp này, Thi đàn trao tặng cho các hội viên mới một “món quà vô cùng giá trị”, chính là việc tạo trang web cho các hội viên với giá 1 triệu đồng và được Thi đàn duy trì và tồn tại vĩnh viễn. K.O cho biết giá thành này đã được Viện Khoa học và Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực và Thi đàn hỗ trợ lên đến 90%... Đến lúc này PV đã phần nào hiểu được, vì sao các CLB thơ khác khi xét kết nạp hội viên lại có các quy trình tương đối khắt khe, còn đối với Thi đàn Việt Nam lại dễ dàng đến như vậy.
Đầu tiên phải nói đến việc Viện Khoa học và Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, vì vậy đơn vị này có chức năng và thẩm quyền để tiếp nhận Thi đàn gia nhập Viện hay không? Cũng từ việc này, Viện Khoa học và Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực đã dùng con dấu tròn của mình đóng lên thẻ hội viên của Thi đàn Việt Nam, để chứng nhận tính hợp pháp và đảm bảo các quyền lợi của hội viên Thi đàn (được in ở mặt sau của thẻ). Cứ cho rằng Viện và Thi đàn làm tốt các điều trên, nhưng lấy gì để đảm bảo tất cả các hội viên đều sử dụng đúng mục đích của thẻ. Đến lúc ấy ai, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm. Bởi hồ sơ của các hội viên gần như bằng con số 0 khi chỉ là bản đăng ký được viết vài dòng sơ sài về bản thân mà không có bất kỳ sự kiểm chứng nào. Đó là còn chưa nói đến việc, ngoài 10 bài thơ ban đầu nộp vào Thi đàn, thì các bài thơ tiếp theo nếu thuộc dạng “đạo thơ” thì sẽ được xử lý ra sao?...
Thêm nữa, với lệ phí bắt buộc đối với hội viên 300.000 đồng/1 người, trong khi đó theo giới thiệu của Ban thường trực Thi đàn thì đơn vị này đã có hơn 10.000 hội viên. Vậy số kinh phí 10.000 người x 300.000đồng = 3 tỷ đồng. Đó là còn chưa nói đến việc tạo trang web với kinh phí 1 triệu/1 người, cứ giả dụ hơn 10.000 hội viên, chỉ cần 10% hội viên tham gia thì số tiền sẽ là 1.000 x 1.000.000 đồng = 1 tỷ đồng. Theo một người chuyên thiết kế Website và quản trị mạng kinh nghiệm cho biết, việc tạo trang của Thi đàn cho các hội viên thực chất chỉ là mở một gian hàng như các trang bán hàng trên mạng vẫn hay sử dụng nên kinh phí gần như không có, chỉ tốn chút thời gian để chỉnh sửa cho khác nhau mà thôi. Hay nói cách khác, Thi đàn chỉ mở một trang web chính, còn trang của các hội viên chỉ là một hình thức “nhân bản”.
Việc tham gia vào Thi đàn, ngoài số kinh phí trên, các hội viên nếu muốn được hỗ trợ tổ chức sự kiện, mời nghệ sĩ ngâm đọc tác phẩm thơ cá nhân, quay phim tư liệu, làm đĩa video CD thì chắc chắn số kinh phí cũng sẽ được nhân lên. Vậy số tiền “khủng” trên do đơn vị nào quản lý, được dùng vào việc gì, số kinh phí này có được thu chi đúng mục đích và khai báo với các cơ quan thuế hay không? Thêm vào đó, với việc kết nạp hội viên sơ sài kiểu như vậy, liệu Thi đàn Việt Nam có dám chắc rằng sẽ quản lý tốt được các hội viên để không xuất hiện một trao lưu thơ mới, trao lưu thơ mà không được sự cho phép của pháp luật.
Với chức năng và vai trò của mình, Hội nhà văn Việt Nam và các cơ quan liên quan sẽ có ý kiến ra sao?, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có biết việc này hay không, sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những số báo tiếp theo.
Nguyễn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét