Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2009

629. Mừng 50 năm truyền thống "Bộ đội Biên phòng"


Hôm nay (26.2.2009) Hoahuyen đại diện hội CCBVN quận 1 có chuyến công tác cùng lãnh đạo Quận 1... về thăm đồn Biên phòng 554 - thuộc huyên Cần Giờ nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống "Bộ đội biên phòng" - Hoahuyen đã tặng 4 câu thơ ngắn sau:

TRUYỀN THỐNG VẺ VANG

Vì dân hạnh phúc sống bình yên
Hải đảo, biên cương vững chủ quyền
Tay súng góp phần xây, giữ nước
Tô thêm truyền thống Hiếu - Trung - Chuyên.

Hoahuyen

629.
Mừng 50 năm truyền thống
"BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG"

Vì dân hạnh phúc sống bình yên
Hải đảo, biên cương vững chủ quyền
Đạp núi bồng non tâm nhiệt huyết
Trùng khơi cưỡi sóng dạ Chung - Kiên

Dân trao trọng trách yên bờ cõi
Chỗ dựa tin yêu Đảng, Chính quyền
Tay súng góp phần xây, giữ nước
Tô thêm truyền thống Hiếu - Trung - Chuyên

Bộ đội Biên phòng đang phát triển
Biên cương, hải đảo khắp trăm miền
Năm mươi tuổi chẵn vui ngày hội
Tuyên dương thành tích giữ bình yên

Hoahuyen


Một số hình ảnh chuyến về thăm đồn biên phòng 554


[@more@]





50 năm "nối dài" những trang sử hào hùng...
26.02.2009 08:30
Xem hình
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND, Chính ủy BĐBP Võ Trọng Việt. Ảnh: PV
Những ngày này, khắp nơi trên hai tuyến biên cương của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc đang náo nức chờ mong một sự kiện đặc biệt sắp diễn ra: "Ngày hội Biên phòng" - Kỷ niệm 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân, 50 năm ngày thành lập lực lượng BĐBP. Trong bối cảnh đó, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND, Chính ủy BĐBP Võ Trọng Việt đã dành cho PV Báo Biên phòng một cuộc trò chuyện - mà như ông nói, để "ôn cố tri tân" sau 50 năm BĐBP cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Qua sự trải lòng của ông, bạn đọc sẽ tìm thấy trong đó những hình ảnh hết sức mộc mạc nhưng vô cùng vẻ vang về chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng đặc biệt này...

- Thưa Chính ủy, đề nghị đồng chí cho bạn đọc biết về "sự tích" của "ngày kỷ niệm 3-3" vốn đã trở thành "khái niệm" thân quen đối với người dân cả nước nói chung, đồng bào ở khu vực biên giới nói riêng?

- Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng quyết định thống nhất các đơn vị vũ trang đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến chuyên trách công tác bảo vệ nội địa và biên phòng, giao cho ngành công an trực tiếp chỉ đạo, lấy tên là Lực lượng Cảnh vệ. Lực lượng Cảnh vệ gồm: Cảnh vệ Biên phòng và Cảnh vệ Nội địa. Ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 100-TTg thành lập một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an. Vì thế, ngày 3-3 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của BĐBP.

- Thưa Chính ủy, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cho rằng, 5 năm sau khi được thành lập (1959-1964) là thời kỳ "đỉnh cao" của CANDVT trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình như chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ giới tuyến... Chính ủy nghĩ sao về điều này?

"Vàng thì thử lửa, thử than", môi trường công tác cam go qua các giai đoạn cách mạng đã thực sự là "lò lửa" tôi luyện ý chí, phẩm chất và năng lực đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CANDVT, nay là BĐBP. Những năm đầu thành lập, lực lượng CANDVT có nhiệm vụ trấn áp kịp thời bọn gián điệp, biệt kích, thổ phỉ, hải phỉ và các bọn phá hoại khác qua lại hoạt động ở khu vực biên giới, giới tuyến, bờ biển, bảo vệ đời sống an toàn và của cải của nhân dân, tài sản của Nhà nước, các mục tiêu quan trọng... Trong thời kỳ này, đấu tranh chống gián điệp biệt kích do Mỹ, ngụy tung ra miền Bắc là một trong những dẫn chứng sinh động về thắng lợi của lực lượng CANDVT. Chẳng hạn, ngay sau khi mới "chào đời", thông qua các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, trinh sát CANDVT đã nắm chắc tình hình tổ chức và âm mưu của Mỹ - Diệm ở bên kia giới tuyến. Tổng kết lại, cho đến đầu năm 1965, địch đã đánh sang bờ Bắc 61 vụ, chủ yếu là bọn tình báo quân sự nhằm điều tra các lực lượng Quốc phòng, CANDVT, các tổ chức chi viện cho miền Nam. Tất cả các vụ này đều đã bị CANDVT trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng an ninh nội địa phát hiện và chặn đứng...

- Còn những thời kỳ tiếp theo, thưa Chính ủy?

- Thời kỳ 1964-1975, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, lực lượng CANDVT ở miền Bắc tiếp tục nhiệm vụ xây dựng phòng tuyến nhân dân, tiễu phỉ, trừ gian, chống gián điệp biệt kích, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa; tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào, chi viện cho an ninh vũ trang miền Nam và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh... Lực lượng ANVT ở miền Nam cùng với các lực lượng vũ trang tại chỗ diệt ác, phá kìm, tạo thế thuận lợi cho quân ta trên chiến trường. Từ năm 1975-1986, đất nước thống nhất, CANDVT triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trên phạm vi toàn quốc, đấu tranh chống kế hoạch hậu chiến của địch... Ngoài ra, CANDVT còn có nhiệm vụ trấn áp mọi hoạt động phá hoại của bọn phỉ, bọn gián điệp và các vụ bạo động, phá hoại, bảo vệ các mục tiêu quan trọng, các cơ quan đầu não, các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước... Góp phần quan trọng trong chống chiến tranh xâm lược biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế. Ở lĩnh vực nào, lực lượng CANDVT cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần viết nên trang sử vẻ vang của BĐBP ngày nay.

Từ năm 1986 trở lại đây, lực lượng BĐBP đã quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; tích cực đổi mới cải cách hành chính, quản lý, kiểm soát trên các cửa khẩu biên giới, cảng biển, phục vụ cho chính sách mở cửa phát triển kinh tế đất nước; đổi mới công tác đối ngoại biên phòng, tham mưu tích cực cho Đảng, Nhà nước về phân giới cắm mốc; chủ động tham gia phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả cao. Đặc biệt, trên mặt trận đấu tranh giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, BĐBP luôn sát cánh cùng các lực lượng chức năng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong phòng chống các loại tội phạm. Tấm gương tiêu biểu chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên quyết tấn công bọn phản động xâm nhập vào biên giới vì sự bình yên của nhân dân là Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần, Anh hùng, liệt sĩ Và Bá Giải thuộc BĐBP tỉnh Nghệ An. Lực lượng BĐBP đã điều tra, khám phá, phát hiện và bắt giữ hàng chục nghìn đối tượng vi phạm pháp luật. Trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, từ năm 1997 đến nay, BĐBP đã phối hợp, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đã xác lập, xây dựng và tổ chức đấu tranh hàng trăm chuyên án, vụ án đạt kết quả cao. Trong lĩnh vực này, đã có bốn cá nhân được tặng Huân chương Chiến công và Liệt sĩ Phạm Xuân Phong thuộc BĐBP Nghệ An được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì đã chiến đấu, hy sinh dũng cảm trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy...

Ngoài ra, BĐBP cũng đã làm được rất nhiều việc để giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên các tuyến biên giới củng cố cơ sở chính trị, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa... Hình ảnh BĐBP đã đi vào lòng nhân dân, được nhân dân tin yêu và mến phục, như Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận xét: "BĐBP đã làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ"...

- Có thể nói, cuộc sống lao động và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn mang trọng trách hết sức đặc biệt. Bởi vậy, tính chất cuộc chiến đấu ở giai đoạn nào cũng mang nội hàm cuộc chiến cam go. Theo Chính ủy, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, "chìa khóa thành công" của BĐBP là gì?

Lịch sử hàng ngàn năm tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, dựng nước phải đi đôi với giữ nước... Đảng ta luôn coi nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc phải luôn luôn gắn bó với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đó là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó BĐBP là lực lượng nòng cốt chuyên trách.

Nước ta với Trung Quốc có chung đường biên giới dài hơn 1.400 km, qua 6 tỉnh của Việt Nam, 2 tỉnh của bạn. Biên giới Việt Nam-Lào có chiều dài trên 2.000km, qua 10 tỉnh Việt Nam và 9 tỉnh phía bạn. Biên giới Việt Nam-Cam-pu-chia dài 1.130 km, qua 9 tỉnh Việt Nam, 7 tỉnh Cam-pu-chia. Bờ biển nước ta dài 3.260 km, với 550 cửa sông, 68 vịnh, 53 cảng biển, có khoảng 3.000 đảo lớn nhỏ... Những con số thống kê khái quát trên đã nói lên phần nào những khó khăn trong quản lý Nhà nước về biên giới đất liền và biển đảo. Tuy nhiên, theo tôi, dù khó khăn đến thế nào đi nữa thì đối với BĐBP, sự mưu trí, dũng cảm, sự khôn khéo, linh hoạt trong xử lý, đấu tranh, đảm bảo các yêu cầu chính trị, đối ngoại, nghiệp vụ, pháp luật vẫn là "chìa khóa thành công". Lịch sử hình thành và phát triển của BĐBP từ khi được thành lập đến nay đã chứng minh điều đó.

- Có một thực tế không thể phủ nhận là những diễn biến ngày càng phức tạp đang có những tác động trực tiếp đến tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có những chủ trương, biện pháp mang tính chiến lược nào để "hóa giải" những khó khăn trên?

Trong tiến trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khu vực biên giới, biển đảo, và cửa khẩu ngày càng thu hút nhiều tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước qua lại, liên kết đầu tư, hoạt động thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa, viện trợ nhân đạo, từ thiện, khảo sát phục vụ nghiên cứu khoa học... Đây là điều kiện để các phần tử thù địch, các loại tội phạm trong nước và quốc tế trà trộn hoạt động... tiến hành các hoạt động chống đối, phá hoại, tạo ra các điểm nóng làm cho tình hình an ninh trật tự trên các tuyến biên giới, biển, đảo diễn biến phức tạp... Trong bối cảnh đó, chúng tôi xác định cần tập trung xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới toàn diện công tác huấn luyện, đào tạo để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP cần nêu cao phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chủ động, tự lực, tự cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...

- Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện bổ ích này!

Nhâm Hồng Hắc

Không có nhận xét nào: