PHIM MÀU LỄ QUỐC TANG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - 1969
Lần đầu tiên một bộ phim tư liệu màu về lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh do hãng truyền hình Nihon Denpa News (NDN, Nhật Bản) thực hiện được công chiếu trên VTV. ( Đây là bộ phim đầu tiên và duy nhất về lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình ảnh màu mà đài THVN mua bản quyền. Hãng NDN thực hiện quay phim về chiến tranh ở Việt Nam trong bảy năm (từ 1962 đến 1969) với nhiều tư liệu quý về cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam.)
Không cầm nổi nước mắt
Khi phải vĩnh biệt người
Cứ mỗi lần xem lại
Lòng ta chợt chơi vơi
Hoahuyen
__________________________________
KHÔNG CẦN UNESCO
( Một bài viết hay của anh Cồn Cải )
Năm 1990, chúng ta tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo chí đưa tin, UNESCO có nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh "anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới". Chúng ta tự hào về sự tôn vinh đó. Từ đó đến nay, "anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới" gắn với tên tuổi của Người, trở thành câu nói "cửa miệng" của các văn bản chính thống, của báo chí và dư luận xã hội.
Năm nay, kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh của Người, lại nghe một chuyện lạ: đến nay chúng ta mới tìm được "bản gốc" nghị quyết của UNESCO về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi tìm được bản gốc, dịch đúng nghĩa thì biết UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam". Thế là trên các phương tiện truyền thông, rồi băng rôn treo ngoài đường đều đồng loạt ghi " Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".
Tại sao có chuyện lạ lùng như vậy ?
Trước hết, phải khẳng định, chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bởi nhân cách, phẩm chất, đạo đức, lối sống và cống hiến của người cho đất nước, cho dân tộc và thời đại; không phải và không cần bất kỳ sự tôn vinh nào, "hơn tượng đồng phơi những lối mòn" như Tố Hữu nói.
Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền, là thành viên của LHQ. UNESCO là tổ chức của LHQ. Việt Nam có đại diện tại trụ sở UNESCO, UNESCO có đại diện tại VN. Lẽ ra, khi ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, UNESCO phải mời đại diện của Việt Nam để thông báo và trao văn bản nghị quyết bằng 6 thứ tiếng, kể cả bản dịch chính thức ra tiếng Việt nữa, chứ tại sao lại để xẩy ra cảnh Việt Nam không nhận được NQ, phải tự tìm và tự dịch ra tiếng Việt. Quan hệ quốc gia, quốc tế mà sao như trò đùa vậy ? Do sự tắc trách của UNESCO hay do sự yếu kém của các nhà ngoại giao VN, hay UNESCO đã gửi nhưng chúng ta để thất lạc, làm cho bảo tàng HCM phải mất công tìm kiếm đến 20 năm ?
Hãy xem UNESCO nói gì ? Hồ Chí Minh là "anh hùng giải phóng dân tộc" . Điều đó không sai nhưng đã xứng đáng với công lao vĩ đại của Người chưa ? Dân tộc VN suốt bốn ngàn năm lịch sử có hàng triệu triệu anh hùng, chỉ tính trong hai cuộc chiến tranh giải phóng của thế kỷ XX đã có không biểt bao nhiêu anh hùng, liệt sỹ; "ra ngõ gặp anh hùng" nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng.
Còn nữa, " nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam"; Việt Nam cũng không hề thiếu các nhà văn hoá kiệt xuất như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm và trong thời đại ngày nay như Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện, ...
Phải khẳng định rằng Hồ Chí Minh là người con ưu tú nhất của dân tộc trong thế kỷ XX. Tôn vinh Bác như UNESCO là chưa thấy hết tầm cỡ vĩ đại của Người.
Nếu cần một đánh giá, nhận xét chính xác, đầy đủ nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đây: " Dân tộc ta, non sông đất nước Việt Nam ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước Việt Nam ta" ( Điếu văn của Cố TBT Lê Duẩn trong lễ truy điệu Người ) và đây: "Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại" ( Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ).
Không cần UNESCO, chúng ta đã có thừa tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta !
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Tham khảo thêm:
UNESCO đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?
Cập nhật lúc 17:11, Thứ Hai, 17/05/2010 (GMT+7)
,
- Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm được văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris (20/10 - 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", vào năm 1990.
Nghị quyết quan trọng này khẳng định những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc...
Trong Nghị quyết, Đại hội đồng UNESCO cũng khuyến nghị các nước thành viên "cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người", đồng thời đề nghị ông Tổng giám đốc UNESCO "triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam".
Đây là văn kiện quan trọng của một tổ chức quốc tế lớn thuộc Liên hợp quốc, ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam và của cả bầu bạn quốc tế.
Ý nghĩa lớn lao là thế, vậy mà, hơn hai mươi năm qua kể từ ngày Nghị quyết được thông qua, hầu hết chúng ta mới chỉ được biết đến nội dung của văn kiện này qua bản dịch tiếng Việt đăng trên một số sách, báo, tạp chí, website...
Đã có không ít những câu hỏi, nhiều bạn đọc và khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh mong muốn được nhìn thấy "văn bản gốc" của Nghị quyết quan trọng này.
Thời gian qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm được văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là "Tập biên bản của Đại hội đồng khóa họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, Quyển 1: NGHỊ QUYẾT", bản in tiếng Pháp.
Đây là một trong số các tập biên bản báo cáo của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24, được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng (Pháp, Anh, Ả rập, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Nga), trong đó có Nghị quyết số 18.65 về Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện Nghị quyết, năm 1990, nhiều hoạt động cụ thể đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn" ở Hà Nội tháng 3/1990, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương Modagat Ahmet, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO, khẳng định: "Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người vào năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng".
Coi việc được tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm về Hồ Chí Minh "là một niềm vinh dự", ông Ahmet nhấn mạnh: "Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này".
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy bản dịch tiếng Việt đã in trong một số sách, báo, tài liệu, website... có những câu chữ rất khác nhau, như: Đại hội đồng = phiên họp toàn thể; nhìn lại = nhắc lại; Nhà văn hóa kiệt xuất = Nhà văn hóa lớn; biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định quyền dân tộc = biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc; yêu cầu = đề nghị...
Sự khác nhau về câu chữ này, phải chăng là do cách dịch ra tiếng Việt từ các văn bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh có khác nhau nên việc trích dẫn giới thiệu trong các bài viết, các công trình nghiên cứu cũng có những câu chữ khác nhau, không thống nhất?
Để có một văn bản tiếng Việt chuẩn đưa ra trưng bày, giới thiệu cùng công chúng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam giúp thẩm định lại từ bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh.
-------------------------------------------------------------
Toàn văn bản dịch của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "18.65. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đại hội đồng, Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới, Nhắc lại Nghị quyết số 18 C/4.351 thông qua tại khóa 18 Đại hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, 1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người; 2- Đề nghị Tổng giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam". |
Phạm Công Khái (Bảo tàng Hồ Chí Minh)