Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

723. QUAY QUẮT CON TIM

Thể thơ song thất lục bát

QUAY QUẮT CON TIM

Ta ngoảnh lại hoàng hôn tím ngắt
Cuối đường chiều quay quắt con tim
Gió buồn lay cánh hoa sim
Trời nghiêng vạt nắng đang chìm vào mây

Giọt nước mắt đong đầy nỗi nhớ
Phân vân lòng một mớ ưu tư
Cuối đời váng vất ngất ngư
Biết đi hay ở? nát nhừ xác thân

Em hẹn đỉnh phù vân cuối kiếp
Anh mơ màng giấc điệp Trang Chu(*)
Trên răng, dưới chẳng còn xu
Chỉ e gió lại mịt mù mưa giăng ?

Thì đã có đi văng hiệp hội
Ở bên kia rửa tội cho mình
Ở đời vinh nhục - nhục vinh
Lên voi xuống chó thường tình mà thôi

17.5.2010
Hoahuyen


(*)Hầu hết chúng ta ai cũng đã có dịp nghe câu chuyện hay đọc bài thơ ngụ ngôn "Giấc mơ hóa bướm" của Trang Tử, một nhà hiền triết Trung Hoa, sinh khoảng 369 năm trước Công nguyên - Nam hoa Kinh, một kiệt tác của Trang Tử, tác phẩm này đã đặt Trang Tử vào ngôi vị đệ nhất tài tử trong văn học sử của Trung Hoa... Dưới đây là bài thơ ngụ ngôn "Hồ Điệp Mộng" lừng danh của ông.

Tích giả, Trang Chu mộng vi hồ điệp,
Hủ hủ nhiên hồ điệp dã.
Tự dụ thích chí dư!
Bất tri Chu dã.
Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã.
Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư?
Hồ điệp chi mộng vi Chu dư?
Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hĩ.
Thử chi vị vật hóa.

[Trang Tử, Tề Vật Luận]

Xin tạm dịch:

Có một lần Trang Chu mơ hoá bướm
Lượn bay như cánh bướm
Rất là thích thú!
Chẳng biết bướm là Chu
Chợt tỉnh dậy thấy Chu lại là Chu
Không biết trong mơ Chu biến thành bướm?
Hay trong mơ bướm biến thành Chu?
Nhưng giữa Chu và bướm phải có sự khác biệt.
Đây gọi là sự chuyển hóa giữa vạn vật

Đọc kỹ bài thơ ngụ ngôn "Hồ điệp mộng" của Trang Tử thì sẽ thấy có đến hai giấc mộng trong đó:
"Trang Chu - Hồ Điệp - Trang Chu" và "Hồ Điệp - Trang Chu - Hồ Điệp".
Trang Tử khi tỉnh mộng vẫn không biết là trong mơ Chu hoá bướm hay bướm hóa Chu. Như một cánh bướm bay lượn giữa mơ và thực, Trang Tử tự cười ông, một nụ cười thâm thúy của thánh nhân. Nếu đem chuyện chiêm bao hóa bướm ra luận bàn thì ý nghĩa có lẽ tùy theo người đọc và đa diện... Nhưng có lẽ mọi ngươì đều đồng ý là vấn đề hư thực đã được Trang Tử diễn tả một cách tài tình, thi vị và tuyệt hảo. Nếu bảo là "mộng" thì cảnh nào không phải là mộng? Và nếu bảo là "thực" thì cảnh nào không phải là thực? Nhiều người đã nói chương Tề Vật Luận tinh thâm và diệu kỳ nhất trong Nam Hoa Kinh và có lẽ kỳ diệu nhất của chương là đoạn: Trang Chu mộng Hồ Điệp hay Hồ Điệp mộng Trang Chu?

Không có nhận xét nào: