Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Trận khẩu chiến CƠM - PHỞ

Sưu tầm: (Thư giãn cuối tuần)
Trận khẩu chiến CƠM - PHỞ

I. Thư của bồ nhí gửi cho bà vợ già

* Dù chúng ta có vô cùng xung khắc, chúng ta vẫn phải nhất trí một điểm : *
Chồng bà là đàn ông. Mà đàn ông thì sao ?

Đàn ông thì ham thích nhiều thứ. Họ thích đến mãnh liệt. Và bà đừng giấu em, bà hảy công nhận rằng, phụ nữ chúng ta yêu đàn ông vì họ ham thích và biết cách thực hiện nó. (Chúng ta cũng ham thích nhưng thực hiện chủ yếu bằng cách mua nó.) Ông thì thích máy móc, ông thì thích kiến trúc, ông thích vật lý và hóa học, ông dại hơn một chút thì thích thơ văn. Toàn những ham thích có lợi cho xã hội.

Nhưng đàn ông không chỉ ham thích một thứ. Nếu gà chỉ thích giun, bò chỉ thích cỏ tươi hay thỏ chỉ thích củ cải thì đàn ông lại thích đa dạng. Chuyện ấy trong bóng đá, trong ẩm thực, trong bia bọt không sao, nhưng trong vấn đề phụ nữ, tính đa dạng của nó làm cuộc sống thêm rắc rối.
[@more@]
Bà thân mến,

Em tin rằng, bà có rất nhiều ưu điểm. Sở dĩ em quen với ông ta là do ông ấy thông minh (chứ không phải chỉ có tiền như thiên hạ vẫn đồn). Và một người thông minh không bao giờ chọn vợ quá kém. Thậm chí, bà không quá kém, bà còn nổi bật ở nhiều phương diện.

Theo ông tiết lộ một cách đầy thành kính, bà nấu ăn ngon, bà rửa bát sạch, bà lau nhà bóng và đi chợ rẻ. Bà còn đối xử tốt với chó mèo... Em xin thú thật, các phương diện đó, em đều thua bà. Khi em nấu món canh, ai cũng nghĩ là món xào. Khi em rửa bát, tốt nhất lúc dùng nên rửa lại. Khi em lau nhà hay quét nhà, em để cái đống rác chổ nọ chổ kia. Chợ duy nhất em đi là chợ mỹ phẩm. Còn chó mèo, em chỉ nuôi chúng trong tranh.

Nhưng ông vẫn thích em. Tiện đây xin tiết lộ: thời gian thích không hề ngắn, cường độ thích không hề yếu và chi phí thích không hề thấp.

Bà kinh ngạc. Bà không tin ư? Bà nhớ rõ ông vẫn về nhà, vẫn ăn cơm tối, vẫn lịch sự với bà, v.v... Bà cảm giác chẳng có khe hở nào để em lọt vô cái pháo đài do bà xây dựng, canh gác và tuần tra.

Em xin phép không đi vào chi tiết. Em chỉ nói một cách văn học rằng, không có gì ngăn cản được con tim. Nhất là con tim già lao vào một con tim trẻ.

Như đã nói em thua bà về một tỷ thứ. Đúng một tỷ thứ, chả bớt phần nào. nhưng em lại hơn bà hai tỷ.

Bà sẽ gầm lên, Bà sẽ quát lên: Hơn ở chổ nào?

Thưa bà, những thứ em hơn lại vô cùng vớ vẫn. Em thành thật tin thế. Nhưng đàn ông, tiếc thay, lại không tin.

Em biết chớp mắt. Em biết ngồi gần ông mà lại vẹo người. Em biết đánh vào lưng ông, hay đánh ở chổ thấp hơn, vừa đánh vừa cong môi nhìn đi chổ khác. Em biết hét lên khi thấy con sâu và ù té chạy khi gặp con thằn lằn.

Cái gì em cũng ngạc nhiên và nhờ ông giải thích. Em tin ông là vô địch về tri thức, về thể thao, và luôn thể hiện lòng tin ấy ra mồm. Mỗi lời nói của ông, với em, đều là chân lý. Em khâm phục khi ông uống bia. Em kiêu hảnh khi ông châm thuốc lá. Em ngồi nép mình khi ông tụ tập. Em lo lắng nhưng chẳng bao giờ tra hỏi lúc ông đi khuya. Và quan trọng nhất, thưa bà, da em trắng, eo em nhỏ, môi em đỏ và chân em chả khác chân dài. Em mặc váy hồng, em thắt nơ xanh và em dùng dầu thơm của Pháp. Nước Pháp, chắc bà cũng biết, vô địch về các loại dầu thơm.

Khi ở bên ông, em không ngóc và không tham lam như các phim truyền hình quay vội vàng mà bà vẫn xem đâu ạ. Chúng em không hề bàn về tiền bạc. Hai người đều mơ tới ánh trăng, tới những khát vọng chưa thực hiện và đều thích nhìn sao trên trời. Hai người có thể xung đột về một bài thơ, giận dỗi về một bức tranh và bỏ ra về vì một bông hoa bày không đúng cách (trong khi ông và bà giận dỗi vì một mâm cơm, cãi nhau vì hóa đơn tiền điện và ra khỏi nhà vì chậu quần áo chưa phơi).

Đấy, em tới ông, ông tới em là như thế đấy. Nó thanh cao thì em không dám nói, nhưng nó cũng chẳng phàm tục như sách vụ án viết đâu. Em xin bà hãy mừng vì điều đó.

Tuy ông phạm tội nhưng tội ấy còn sang. Bà hảy tự an ủi như thế. Tại sao em viết thư này? Tại vì em xin trả lại ông cho bà. Chúng em nhất trí cái gì đẹp là phải ngắn và chúng em đã ngắn đủ dài. Toàn bộ sự tinh tế của tình yêu nằm ở chổ này, và bà không biết được.


Xin bà hảy dang tay đón ông về. Em lấy danh dự thề rằng, ông không sứt mẻ quá nhiều, đơn giản vì ông có nhiều đâu mà sứt mẻ. Bà hảy coi ông như vừa sau chuyến du lịch mạo hiễm trở lại nhà. Cần che chở và sẳn sàng che chở.

Em đi đây. Cuộc sống là khám phá và em thích khám phá nhiều nơi. Bà đừng trách em. Bà cũng đừng tự trách mình. Khi em bằng tuổi bà, em cũng chả hơn gì bà đâu.

Chúc bà vui khỏe.



II. Thư phúc đáp của bà vợ gửi cho bồ nhí của chồng !!!



Thưa cô,

Tôi đã đọc thư của cô một cách bình tĩnh. Đúng như cô đã nói, ở tuổi tôi và ở địa vị của tôi, sự bình tỉnh luôn luôn có thừa.

Này cô,

Việc chồng có bồ nhí khiến tôi ngạc nhiên. Đó là cảm giác đầu tiên, và thành thật với cô, nó hơn cả cảm giác căm phẫn.

Vì sao vậy?

Thưa cô, vì tôi tin chắc rằng lão (hảy gọi sự vật với đúng tên và đúng tuổi của chúng, cô nhỉ) đã đuối sức rồi, nói một cách chắc chắn, một cách không có gì phải bàn cãi cả.

Khi viết thư cho tôi, cô có vẻ tự đắc pha chút hả hê. Cô có cảm giác thấy mình giật được từ tay bà khác một mỏ vàng, và mình có những phẩm chất khác thường nên mới gặp may như thế.

Cô nhầm thảm hại quá cô ơi!

Quả thật lão là một cái mỏ. Hay nói chính xác hơn, đã từng là cái mỏ. Điều ấy cách đây ba mươi năm về trước, cả thành phố đều phải công nhận chứ đâu cần phải một cô gái có trí tuệ siêu việt gì.

Nhưng trên, trong và dưới cái mỏ ấy, tôi đã đào, đã cuốc, đã đẻo, đã nổ mìn khai thác rầm rộ, quy mô mấy chục năm. Và giờ đây, mỏ chỉ còn khung, còn lại sự hoang tàn.Chỉ có đôi mắt ngốc của cô, chỉ có đôi môi dại của cô và chỉ có một tí não khờ khạo của cô mới không nhận ra điều đó.

Cô vớ được lão, khi tôi trong một chừng mực nào đó, đã mặc cho lão tự do. Cho lão có cảm giác sổng chuồng. Đàn ông sống bằng ảo tưởng cô ạ, và nuôi dưỡng cái ảo tưởng đó một cách khéo léo là nhiệm vụ của phụ nữ chúng ta.

Tôi không vui khi lão có bồ. Nhưng chớ nói rằng tôi hoảng sợ vì điều đó. Tôi quá hiểu đứa khác sẽ được bao nhiêu trong khi mình đã vớ được bao nhiêu. Phần của cô, hởi ôi, thật là thảm hại.

Cô khéo là ngây thơ và nhí nhảnh. Cô té xỉu khi gặp thằn lằn và ngã lăn khi gặp tắc kè. Dạ thưa cô, khi bằng tuổi cô, tôi cũng ngây thơ như thế. Nhưng lúc này, gặp hai của ấy, tôi chỉ đập cho một cái bẹp đi là xong.

Rồi cô khoe là cô biết chớp mắt, biết ngã đầu và biết cười he hé nghiêng nghiêng.

Ôi dào, những trò đó ngày xưa tôi làm mãi. Và bây giờ vẫn có thể làm, thậm chí còn hay hơn cô ấy chứ. Nhưng vì mục đích gì, gặt hái gì khi mọi thứ đã no nê? Cô nhìn lão trong quán cà phê hạng sang. Trong com-lê và cà vạt đắt tiền. Còn tôi có khá nhiều dịp (nhiều hơn cả cần thiết) nhìn lão trong quần đùi rộng, trong áo may ô chả hiểu màu gì.

Và tôi cam đoan rằng, cái tôi nhìn mới là sự thật. Cái cô nhìn là giả. Cô thừa biết thế, chẳng qua cô đang tự dối mình. Cô chê tôi chỉ biết rửa bát, nấu cơm. Cô thương tôi vì tôi chỉ chăm chăm lo cái nhà sạch bóng. Nhưng tôi lại thích vậy. Vì đấy là nhà tôi và lão chỉ có nữa phần. Còn lão có bóng hay không, có sạch hay không, lão tự phải lo. Tôi còn bận lo cho bản thân mình.

Tôi không chúi mũi vô bếp như cô tưởng và lão tưởng chút nào. Tôi say mê đánh bài. Tôi nghiện làm đầu và giũa móng tay. Tôi ham thích "tám" và hăng hái đi chùa. Tôi khoác áo lụa mỡ gà, khoác vòng cẩm thạch và tôi sắm đủ cho mình (bằng tiền lão, dĩ nhiên).

Còn việc cô ngắm trăng cùng chàng, đọc thơ cùng chàng hay đốt nến cùng chàng thì xin cô hảy cứ tự nhiên. Những thứ vớ vẫn và phù du đó ngày xưa tôi cũng nghĩ là ghê gớm lắm. Nhưng tôi nhanh chóng phát hiện ra chúng suốt đời loanh quanh như thế, và chả có ích lợi gì. Chúng chỉ như những hạt tiêu rắc vô bát phở, không hề bổ béo, chỉ khiến nó dậy mùi. Mà mùi thì tôi đã chán. Chán không phải do tâm hồn tôi cằn cỗi, mà là do đã quá đủ rồi !

Cuối thư cô cho biết đã chuồn ra khỏi lão, hoặc lão đã chuồn ra khỏi cô. Tôi chả hiểu ai thoát được ai. Nhưng chắc chắn là tôi suýt thoát. Tiếc quá. Giá mà lão đi với cô, giá như lão ảo tưởng về sức mình thì tôi đã có cơ hội tuyệt vời để lại được tung tăng.

Tôi tin chắc mình tung tăng chả khi nào muộn, khi mình kiêu hãnh, mình không nghèo khó và mình có sự mặn mà. Những thứ đó, cô còn lâu mới đạt tới, cô bé đáng thương ơi!

Cô yên tâm. Tôi sẽ đón lão về. Cáo chết còn quay đầu về núi, trong khi lão chả phải là cáo, lão là người. Tôi cũng chả giày vò, đay nghiến chi đâu. Tôi không phải hạng tôm hạng cá. Tôi chỉ cười khảy mà thôi. Một nụ cười mà đã làm lão nhớ đến cả chục năm.

Chúc cô may mắn trên con đường chinh phục các lão khác. Thế gian chả thiếu ông già. Cô cứ việc xông lên.

Chào cô...


III. Thư của ông chồng gửi cho vợ và bồ nhí :

Hai bà thân mến !

Tôi đã đọc thư của bà nọ gửi cho bà kia. Tại sao tôi đọc thư? Tại vì khi các bà cả đời theo dõi tôi, rình rập tôi, chả lẻ không có phút nào tôi theo dõi lại.

Đọc xong hai bức thư, tôi hơi buồn. Dù cố tỏ ra lịch sự, để xứng đáng với bản thân mình và xứng đáng với tôi, nhưng các bà vẫn vênh váo và công kích lẫn nhau. Bà nọ coi thường bà kia, cho bà kia là nạn nhân của mình.

Thưa các bà,

Có một điều chắc chắn hai bà không chịu hiểu: chính tôi mới là nạn nhân của hai bà. Cả thế giới biết điều đó. Cả nhân loại tiến bộ lên án điều đó.

Ai, nếu không phải hai bà, chỉ sau mười mấy năm, đã biến một chàng trai khỏe mạnh, đầy nhiệt tình, đầy sức sống như tôi thành một ông già tuy chưa già (còn lâu tôi mới già) nhưng gầy yếu, còm nhom, sợ sệt?
Ai, nếu không phải hai bà, có lúc từng người một, ngày đêm tra khảo tôi, ép uổng tôi, vùi dập tôi?
Trong cuộc tàn phá đời tôi, hai bà có rất nhiều điểm chung: cùng nấu ăn dở, cùng mua cho tôi những chai bia dở và cùng bắt tôi đi coi những bộ phim dở.

Nhưng hai bà, mỗi người đều có những đặc điểm riêng, ghê rợn:

Bà đầu tiên thích xuất hiện trong nhà với bộ đồ nhàu nát, với mái tóc rối bù cùng với đôi dép chiếc nọ chiếc kia. Bà sau này xuất hiện nơi công cộng với quần sọc chật căng, với áo thủng ở lưng cùng với mắt xanh viền đỏ. Cả hai thứ ấy đều giết tôi, đều nện tôi chí tử về mặt tinh thần.

Nếu bà thứ nhất sểnh ra lại chạy sang hàng xóm, nghe thiên hạ kể về chồng thiên hạ, sau đó tự khai báo về chồng mình, thì bà thứ hai sểnh mắt ra là phóng thẳng tới quán cà phê, nghe thứ nhạc cả thiên hạ nghe tuy chả đứa nào hiểu được câu nào.

Nếu bà thứ nhất đay nghiến tôi bao giờ về thì bà thứ hai hỏi tôi bao giờ đi.
Nếu bà thứ nhất kêu rằng tiền điện, tiền gas đã tăng thì bà thứ hai than thở son môi và phấn hồng sao không giảm giá.
Nếu bà thứ nhất khảo tôi về tiền lương thì bà thứ hai khảo tôi về quà tặng.

Cả hai bà, trong một phạm vi nào đó, đều lái tôi và đối xử với tôi như thế tôi là giám đốc nhà băng.

Cho nên không lạ gì, cho tới tận phút này, nhiều lúc tôi ngạc nhiên là mình còn sống. Hoặc mình chưa ngồi trên chiếc xe lăn. Nhưng tôi cảm thấy rất rõ ràng, cái giờ phút đó cũng chả còn xa nữa.

Đọc tới đây, chắc hai bà sẽ hỏi: khổ như vậy sao ông (bà thứ nhất gọi ông) và sao anh (bà thứ hai kêu anh) vẫn đèo bồng?

Khổ quá. Câu hỏi đó, chính tôi cũng thường tự hỏi mình. Và tôi cũng mang ra hỏi bạn bè tôi, tức mấy gã đàn ông khác. Số phận chúng cũng chả hơn gì. Và bọn tôi đành kết luận thế này: cái kiếp đàn ông nó thế !

Nhân đây cũng nói luôn, kiếp đàn ông thật ra là kiếp vô cùng khổ cực. Nhiều khi chả khác gì con ngựa , con trâu (chẳng hề được như con dê mà dân gian vẫn nói).

Đàn ông sinh ra là để đàn bà lợi dụng, bóc lột (đôi khi bóc lột còn thô bạo hơn cả cướp bóc), đè nén và hành hạ. Đàn ông sinh ra là để đàn bà sai đi mua đồ, sai lái xe, sai trả tiền, sai đón con, sai luôn cả việc ...đi ngủ.

Trong cái bể khổ mênh mông, bao la đó, sự khổ vì bồ nhí cũng chả nổi bật bao nhiêu. Nó chỉ được gom chung vào nổi khổ vì các bà. Đã là các bà thì một bà, hai bà hoặc ba bà cũng thế thôi !

Hai bà thân mến,

Giờ đây tôi cũng đã tỉnh ra rồi. Tôi xin hai bà tha cho. Tôi không còn sức nữa. Kể từ giờ phút này, tôi là một gã trai vô hại. Từ bỏ mọi mưu mô. Tôi ăn cơm nhà, tôi ngủ giường nhà. Tôi nuôi vài con chim, mua vài hòn non bộ, sắm mấy giò phong lan. Tôi mở ti vi xem tiết mục "Thầy thuốc gia đình".

Tóm lại, tôi hoàn lương toàn diện.

Hai bà đừng xỉa xói nhau nữa. Đừng so bì nhau nữa. Tôi đã đầu hàng. Tôi đứng giữa hai phe.

Tôi xin ngừng bắn.

Bà nào định đi đâu, cứ đi. Bà nào đang ở đâu, cứ ở. Tôi cũng thế. Tôi xin một phút bình yên.

Tha cho tôi đi nhé.


(sưu tầm)

Không có nhận xét nào: