TRẦN GIAN
Hỏi được mấy Thày?
Mấy chục năm rồi trải đắng cay
Bao nhiêu "chất nghệ"(1) vẫn dâng đầy
Văn chương tớ dở thưa người đọc
Thư pháp bạn tài lắm kẻ say
Lãng mạn tâm hồn thơ lắng đọng
Tinh anh bút lực chữ rồng bay
Xứ Đoài danh tiếng lưu tên tuổi
"Kim Đới cư nhân"(2) được mấy thày?
22.10.2010
Hoahuyen
"chất nghệ"(1) : Chất nghệ sĩ
"Kim Đới cư nhân"(2) : Bút danh của Ông đồ Lâm Ngọc Hiếu
Chú ý : có thể phải bấm play vài lần
Thư pháp - Lâm Ngọc Hiếu
Năm 1974 - Hoahuyen khi đó là chiến sĩ trinh sát pháo - Phòng cao xạ Quân đoàn 2 ( Binh đoàn Hương Giang ) - Tháng 3.1975 tham gia chiến dịch Xuân hè và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn Miền Nam - Sáng 30.4.1975 Hoahuyen có mặt tại Thủ Đức, chiều cùng ngày có mặt tại Dinh Tổng thống Saigon ( Nay gọi là Dinh Thống Nhất ) - Thuộc lứa chiến sĩ cuối cùng của thế hệ chống Mỹ.
Sau ngày giải phóng - Hoahuyen được điều về làm chiến sĩ Ban Quân Lực sư đoàn F.673 pháo phòng không - đóng quân tại Sân bay Đồng Lâm - Huế, tại đây Hoahuyen đã làm quen và thân với anh bạn Lâm Ngọc Hiếu ( Anh vốn quê Hải Dương ) cũng là chiến sĩ của Ban Tác chiến sư đòan - Năm 1977 cả hai được cử đi học Trường Sĩ Quan phòng không ( Trường 300 Sơn Tây ) - Hết giai đoạn học cơ bản Hoahuyen học SQCHKT Radar còn anh Lâm Ngọc Hiếu học SQCHKT Tên lửa - Cả hai chúng tôi đều là những người có khả năng viết chữ khá đẹp nên thường được nhà trường trưng dụng làm "Kế hoạch huấn luyện và kế hoạch tác chiến..." cho nhà trường, anh Lâm Ngọc Hiếu có năng khiếu viết, vẽ rất đẹp và nhanh - Cuối năm 1980 ra trường Hoahuyen được điều về Hải Quân...
Quay đi, ngỏanh lại 30 năm chúng tôi xa nhau chưa một lần gặp lại... thi thỏang chỉ biết một vài thông tin quan bạn bè... Tối qua ( 21.10.2010 ) Hoahuyen nhận được tin nhắn của bạn Lâm Ngọc Hiếu... và sau đó nhận được video clip và hình ảnh về ông đồ sứ Đòai - Lân Ngọc Hiếu giờ đã là ông đồ - Nhà thư pháp có tên tuổi ở thành phố Sơn Tây - Tôi không ngạc nhiên vì bíết nếu anh đã theo đuổi nghề thư pháp thì chắc chắn trước sau cũng sẽ có danh tiếng, nhưng tôi bất ngờ vì anh đã có tên tuổi khá nhanh ở nơi "đất khách quê người" - Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà nội vừa rồi anh đã tham gia tích cực vào các hoạt động tôn vinh văn hóa Việt.
và đây là một số thông tin thêm về Ông đồ Lâm Ngọc Hiếu :
- 7 Năm (1993 -2000) học vi tính ở Đức, sau đó mở lớp dạy vi tính trong lúc vừa buôn bán, vừa luyện thư pháp và học thêm tiếng Đức
- Năm 2000 về Việt Nam, tự mầy mò kiếm sống - Năm 2001 làm giám đốc trung tâm máy tính tại Sơn tây, có khi quay cả nước mía bán... đã nhiều lần định bỏ bút lông... Song cái đẹp mê hồn của nghệ thuật thư pháp cứ ám ảnh, thành ra bây giờ Ông đồ Lâm Ngọc Hiếu đã tập trung toàn bộ thời gian cho thư pháp và kinh Dịch...
Gần 10 năm nay, mỗi khi xuân về Ông đồ Lâm Ngọc Hiếu lại ngồi trước cửa Tam quan Đền Và (Đông cung) - nơi thờ đức Thánh Tản viên sơn- Sơn Tây, viết thư pháp phục vụ khách thập phương, vừa duy trì nét đẹp văn hoá của người Việt nam vừa, kiếm thêm chút tiền để lại mua giấy mực để luyện tập tiếp.
- Nghệ thuật thư pháp khó, tao nhã nhưng rất gần với cuộc sống, đặc biệt Sơn Tây là mảnh đất có kiến trúc thuần Việt cổ (xã Đường Lâm) lại sinh ra hai vị vua là Bố cái Đại vương Phùng Hưng và Ngô Quyền, nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hoá nổi tiếng và lâu đời, ở di tích nào cũng có những tác phẩm thư pháp nổi tiếng và ý nghiã, nên đã thôi thức Hiếu tự nguyện dành phần cuộc đời còn lại chuyên tâm thư pháp cho mảnh đất này.
- Bút danh của Ông đồ Lâm Ngọc Hiếu là "Kim Đới cư nhân" - Đó chính là địa danh thôn Kim Đái (cạnh Trường 300 cũ). Nhiều người ngại tên "Kim Đái" (Đới cũng vậy), nhưng nghiã của nó rất hay, đó là "dải đất có vàng kéo dài". Lâm Ngọc Hiếu đã lấy tên ấy để mỗi khi giới thiệu tên là giới thiệu vùng đất Sơn tây với khách trong và ngoài nước. Ngoài ra Lâm Ngọc Hiếu còn có Bút danh khác là Thư Mộc Lan (Thư pháp - Gỗ lũa - Phong lan- 3 thứ Lâm Ngọc Hiếu rất thích và bỏ nhiều thời gian tiền bạc để sưu tầm).
Hiện nay Ông đồ Lâm Ngọc Hiếu đang phụ trách bộ môn thư pháp tại Thị xã Sơn tây (gần 30 người) sẽ nâng thành CLB. Thỉnh thoảng vẫn có người đến xin học, mỗi tuần 3 buổi lên lớp chiều và 3 buổi lên lớp tối tại nhà. Học phí do học sinh tuỳ tâm bồi dưỡng. Lâm Ngọc Hiếu là người có tâm huyết mong muốn giới thiệu nghệ thuật thư pháp của Việt Nam , giúp mọi người hiểu thêm và tôn vinh nét đẹp văn hoá này, đồng thời việc tự nghiên cứu, học tập và rèn luyên ngòi bút không phải là chuyện quá sức tưởng tượng đối với những ai có lòng đam mê với nó - cái thu được lớn nhất của người luyện tập thư pháp là hoàn thiện mình, các cụ nói : "Học tập thư pháp khả dĩ tu thân, dưỡng tính, đào dã tâm tình". Người Nhật gọi thư pháp là "Thư đạo" (Shodo)...
Nếu các bạn gần xa cần có tác phẩm (mừng năm mới, nhà mới, chuẩn bị thi cử, chúc sinh nhật, chúc tân hôn, chúc thọ,...) Lâm Ngọc Hiếu có thể viết theo yêu cầu trên các chất liệu, kích thước, nội dung, thể chữ (hành, lệ, chân, triện, thảo) gửi qua bưu điện đến một địa chỉ để mọi người đến nhận.
Địa chỉ email: thuphaplamngochieu@yahoo.com.vn
Điện thoại : 0915349597
Với giáo sư sử học Dương Trung Quốc
Chân dung Lâm Ngọc Hiếu
Hình ảnh tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét