Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

241. QUÊ HƯƠNG TÔI

QUÊ HƯƠNG TÔI

Nổi tiếng Hưng Yên đất nhãn lồng.
Vùng quê bát ngát lúa sai bông.
Đầm sen nở trắng... hoa thơm ngát.
Bán nguyệt hồ soi... bóng áo hồng.
Táo chín sai cành, ong vạn tổ.
Ngô non nặng bắp, cá đầy sông.
Xa quê trĩu nặng lòng nhung nhớ.
Chốn ấy trong lòng mãi ngóng trông.

Quê ơi! nhớ quá ngóng chờ trông.
Một dịp về thăm lại bãi sông.
Mía ngọt chen chân trong ruộng cạn.
Khoai thơm lúc nhúc bãi Sông Hồng.
Thăm chùa Phố Hiến đông người viếng.
Vãng cảnh làng quê lắm trái bông.
Mãn nguyện trong lòng khi gặp lại.
Cô em ánh mắt... hạt nhãn lồng.

Hoahuyen (241)


Nhân dịp Anh HĐQ sẽ về thăm "Côn Sơn Kiếp bạc" và thăm "U" của Hoahuyen đang sinh sống ở Thành phố Hưng Yên trong vài ngày tới - Hoahuyen sưu tầm giới thiệu với các bạn về quê hương của mình :

[@more@]Sưu tầm giới thiệu
Đầu xuân, tìm về cội nguồn Côn Sơn - Kiếp Bạc - Nằm cách Hà Nội chừng 80km, khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc (huyện Chí Linh, Hải Dương) gắn liền với tên tuổi các anh hùng, danh nhân văn hóa đất Việt như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Cái hấp dẫn du khách thập phương trước hết vì Côn Sơn là một vùng danh lam cổ kính nổi tiếng. Khoảng 600 năm trước, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đã mô tả: Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem.


Ngày nay, di tích Côn Sơn được tu tạo và bổ sung thêm nhiều nét mới, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng và huyền diệu. Du khách đến Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng thấy không khí mát lành, bởi nơi đây có tấm thảm thực vật lý tưởng. Vào những ngày đầu xuân mưa lất phất, cây cối đua nhau nảy lộc, trời đất Côn Sơn hòa quyện với nhau. Đi dưới mặt đất mà tay như với được những áng mây bồng bềnh. Leo lên sườn núi, bước chân du khách lẫn trong mây.

Đã đến Côn Sơn, du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng. Tương truyền, vào một sớm mùa thu, có một số thi nhân rẽ cỏ, vén hoa tìm đường lên núi. Trên đường đi, họ nghe như có tiếng nói, cười lao xao từ đỉnh núi vọng xuống. Nhưng đến nơi tịnh không một bóng người, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dở. Đứng ở đỉnh núi cao giữa bao la đất trời, mọi người cho rằng các tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, khi thấy người vội bỏ đi không kịp mang theo bàn cờ. Vì thế, đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên.



Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá năm gian (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.

Kiếp Bạc nằm trên một khu đất bằng giữa thung lũng núi Rồng. Tam quan đền Kiếp Bạc như bức cuốn thư "Lưỡng long chầu nguyệt" thật bề thế. Hơn 700 năm trước, đây là nơi Trần Hưng Đạo hội quân sau chiến thắng. Ngày trên sông đông vui. Đêm về trên sông càng tưng bừng. Đèn treo, hoa kết, mở hội hoa đăng trong mấy ngày liền. Người ta thả đèn, thả những khúc chuối trên cắm nến và vàng hoa. Đèn màu xanh đỏ, nến sáng bập bùng, trôi nổi theo con sóng xuôi về biển. Người xem hội như được trở về chốn cũ vườn xưa với những danh tướng, những binh sĩ đời Trần.







Đền Kiếp Bạc nhìn ra con sông Thương (còn gọi là sông Lục Đầu). Thời Trần, nơi đây là bến Bình Than. Đi thuyền trên sông Bình Than lịch sử. Giữa dòng, còn đó cồn cát dài 200m, gọi là Cồn Kiếm, do Trần Hưng Đạo để lại thanh kiếm báu cho đời sau giữ gìn Tổ quốc. Sau lưng đền Kiếp Bạc, là núi Trán Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào ba bề ôm lấy Kiếp Bạc hùng vĩ.

Bài: Nguyễn Thịnh Ảnh: L.L

_______________________________________________________

Phố Hiến (Hưng Yên)

Rất nhiều người Việt Nam biết câu "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Kinh kỳ là thủ đô Hà Nội ngày nay. Phố Hiến nay là thị xã Hưng Yên của tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội gần 60 km.

Từ Hà Nội đi theo đường số 5, đến phố Nối, rẽ theo đường 39A qua những cánh đồng ngô lúa, những rặng nhãn um tùm là đến Phố Hiến.

phohien.gif (20524 bytes)

phohien.gif (20524 bytes)

Từ thế kỷ 13, Phố Hiến đã là một thương cảng. Thế kỷ 15 trở đi những tàu buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Anh, Pháp đã cập bến Phố Hiến.

Nhưng vì sông Hồng ngày càng lùi xa, Phố Hiến nhường dần vị trí thương cảng cho Hải Phòng, mà giữ lại cho mình những giá trị văn hoá lâu đời. Phố Hiến ngày nay còn gìn giữ được một quần thể kiến trúc cổ gồm 60 di tích lịch sử, 100 bia ký và nhiều đền chùa. Phố Hiến có một đặc sản nổi tiếng cả nước là nhãn lồng (gọi là nhãn lồng vì cây nhãn rất nhiều quả, người ta phải làm lồng bảo vệ cho chùm quả để chim chóc không ăn được). Nhãn lồng cùi dày, vỏ mỏng, hạt nhỏ, ăn ngọt mát như chè đường. Xưa kia nhãn lồng Phố Hiến đã được chọn để tiến vua. Cây nhãn tổ có từ thế kỷ thứ 16, nay vẫn xum xuê cành lá.

Ðến thăm Phố Hiến, bạn không nên quên vào chợ Phố Hiến, một chợ quê hoàn toàn yên ả như mặt nước hồ bán nguyệt ở trung tâm Phố Hiến.

Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến
(Nguyễn Bắc)

Đã có thời phố Hiến là thương cảng, trung tâm thương mại lớn nhất của Đàng Ngoài. Ngày nay, phố Hiến là một phần thị xã Hưng Yên với hàng trăm di tích đang cần được bảo tồn, tu bổ.

Năm 1673, con tàu mang tên Groll do Karl Hartsink chỉ huy đến phố Hiến mang theo số tiền 200.000 gulden (tiền Hà Lan thời đó) để "tạo quan hệ và xây dựng thương điếm" được ghi nhận là con tàu đầu tiên của Hà Lan đến Đàng Ngoài. Karl Hartsink cũng trở thành giám đốc đầu tiên của thương điếm trong thời gian 1637-1640. Ngoài tàu Groll, trong bốn năm K. Hartsink làm giám đốc thương điếm còn có bảy chuyến hàng khác qua lại buôn bán. Người Hà Lan buôn bán với Đàng Ngoài chủ yếu trao đổi bạc lấy tơ sống hoặc tơ đã dệt, quế, sa nhân và đưa sang Nhật tiêu thụ. Việc buôn bán giữa các thương nhân được thực hiện tại các thương điếm (hiệu buôn). Thương điếm được xây dựng như những khu quân sự, có hào bao quanh với lính bảo vệ, ngay sát bến thuyền nhưng lại xa khu dân cư.

Sau người Hà Lan, người Anh cũng đến phố Hiến và dựng lên các thương điếm, hoạt động trong thời gian 1672-1770. Tài liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn (Anh) ghi lại, chỉ riêng từ năm 1672 đến năm 1677 đã có 41 lần tàu nước ngoài đến và đi từ phố Hiến.

Hàng nhập khẩu gồm đủ loại, trong đó có một số hàng xa xỉ phẩm cho vua chúa, vũ khí và vật liệu chế thuốc súng, đồng, vàng bạc, thuốc Bắc và hàng dệt Trung Quốc. Hàng xuất gồm một số sản phẩm tự nhiên, chủ yếu là hương liệu, tơ sống, hàng dệt bằng tơ, đồ gốm sứ, đồ gỗ sơn..., nhiều nhất là tơ tằm. Hàng nhập khẩu được chuyển về Thăng Long bằng đường sông và tỏa đi các nơi.

Buôn bán phát triển, tàu thuyền tấp nập từ phố Hiến về Thăng Long cùng với số thương nhân nước ngoài ngày một nhiều tại kinh thành. Có lẽ lo ngại trước sự ảnh hưởng của người nước ngoài tại kinh thành, đầu thế kỷ 18, Chúa Trịnh đã chủ trương ngăn cấm việc ra vào tự do của ngoại kiều. Năm 1717, Chúa Trịnh Cương quy định những người Hoa mới sang bằng đường thủy phải cư trú ở Lai Triều (thị xã Hưng Yên ngày nay). Quy định này đã tạo một "làn sóng" người Hoa đến phố Hiến làm ăn sinh sống, góp phần tạo điều kiện cho phố Hiến trở thành thương cảng sầm uất nhất của Đàng Ngoài thời đó.

Người Hoa đến phố Hiến chủ yếu từ các tỉnh miền Nam Trung Quốc, đông nhất là Phúc Kiến và cả những người đang buôn bán tại Vân Đồn.

Thương nhân người Hoa đã nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng người Việt, lập ra các phố Bắc Hòa Thượng, Bắc Hòa Trung, Bắc Hòa Hạ, Đông Đô, Quảng Hội để giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ nhau trong kinh doanh. Tại phố Hiến, người Hoa chủ yếu làm nghề y, bán thuốc Bắc, vải vóc, mật và mua tơ lụa để buôn bán với người Nhật. Cộng đồng người Hoa lúc đông nhất đến làm ăn sinh sống ở phố Hiến vào khoảng 1.000 người.

Người Nhật cũng đến buôn bán khá sớm và khá đông, chỉ sau người Hoa. Những tên phố như Bắc Hòa, Nam Hòa là chứng tích ba cộng đồng người Hoa, Nhật, Việt cùng sinh sống. (Bắc là người Trung Quốc, Hòa là người Nhật). Việc buôn bán của người Nhật được tổ chức chặt chẽ, được cấp giấy thông hành đặc biệt, có dấu son gọi là chu ấn trạng. Số lái buôn người Thái, Mã Lai không nhiều và không để lại dấu ấn gì đặc biệt.


Nguyễn Bắc



Ngày xuân, về Hưng Yên thưởng thức đặc sản cá mòi
( 16/4/2009 )

Ngoài nhãn lồng Phố Hiến, tương làng Bần, nhắc tới Hưng Yên nhiều người nghĩ ngay tới món cá mòi - một thứ đặc sản dân dã chỉ sẵn có vào những ngày xuân.

Xem chi tiết
Nhãn lồng Phố Hiến
( 19/5/2005 )

Nhãn là quà tặng của trời cho đất Phố Hiến. Kỳ lạ thay, cũng là đát bãi sông Hồng mà chỉ có nhãn Phố Hiến mới được coi là vua của loài nhãn. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng mô tả: "Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho". Những yếu tố vi lượng nào đã làm cho nhãn có hương vị đặc biệt khác hẳn cây nhãn ở những vùng đất khác? Chưa ai khám phá ra điều bí ẩn đó nhưng mời bạn thử đến Phố Hiến vào mùa nhãn nếm thử. Cùi nhãn trong như hổ phách, hạt nhỏ, nước ngọt mát và thơm lạ lùng. Ấy là thứ nhãn nước, loại nhãn đại trà của xứ nhãn, ở đây còn có nhãn lồng, nhãn đường phèn mới thực quý.

Xem chi tiết
Sen
( 19/5/2005 )

Đặc sản của Hưng Yên là nhãn và sen. Nếu như nhãn được tôn vinh là vương giả chi quả thì sen cũng là vương hậu chi hoa. Dọc ven đê sông Hồng từ Văn Giang đến cửa sông Luộc xuống đến tận La Tiến - Phù Cừ, đầm sen bát ngát chạy dài, hương sen lan toả khắp không gian. Cổ nhân ta coi uống trà ướp hương sen là thú vui tao nhã.

Xem chi tiết
Bún thang ( 19/5/2005 )

Bún thang.

Những người Hưng Yên xa xứ mỗi khi về thăm quê hương thường đến Gốc Sanh ăn một bát bún thang cua của nhà hàng Thế Kỷ.

Xem chi tiết
Ếch om Phượng Tường ( 19/5/2005 )

Làng Phượng Tường thuộc huyện Tiên Lữ. Câu ca dao trên lưu truyền từ lâu đời chứng tỏ nó là món ăn tuy dân dã nhưng đã được nâng lên tới mức nghệ thuật trong khoa ẩm thực.

Xem chi tiết
Chả gà Tiểu Quan ( 19/5/2005 )

Ở thôn Tiểu Quan xã Phùng Hưng - Khoái Châu có món chả gà, nổi tiếng một vùng. Cách làm chả rất công phu. Khi thịt con gà, phải chọn chỗ thịt nạc, bỏ hết gân, xương rồi chặt nhỏ cho vào cối giã. Khi giã gần được thì trộn với lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, hạt tiêu, gừng, mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp. Giã thịt cũng phải cách, nhát nào chắc nhát ấy không để thịt bắn ra ngoài.

Xem chi tiết
Tương Bần
( 19/5/2005 )

Tương ngon phải kể đến tương Bần, tức là sản xuất tại thị trấn Bần yên Nhân , huyện Mỹ Hào. Tương ở đây sánh vàng, thơm ngậy, hạt đỗ được xay nhỏ, nước tương màu cánh gián. Nó được chế biến bằng gạo nếp cái với đỗ tương ta, hạt nhỏ chứa nhiều đạm. Đỗ phải rang với cát, tay đảo đều, lửa đượm, hạt đỗ chín đều lên màu vàng bốc mùi thơm. ủ mốc người ta dùng là khoai, lá sen.

Xem chi tiết

Không có nhận xét nào: