Tiếng thơ ngâm bậc nhất 04/11/2007 08:27 |
(HNM) - Qua làn sóng Tiếng nói Việt Nam, người nghe đài yêu “Tiếng Thơ” đã từng thưởng thức nhiều giọng ngâm tuyệt vời làm thổn thức tâm hồn vào mỗi đêm chủ nhật, đêm cuối tuần, nhất là vào những năm tháng chiến tranh, khi phát thanh gần như là nguồn thông tin duy nhất. Nhiều cái tên nghệ sĩ đã trở thành thân thuộc: Châu Loan, Linh Nhâm, Kim Cúc... Nhưng có lẽ một nghệ danh, một giọng thơ ngâm chiếm được sự yêu mến và ngưỡng mộ hơn cả là Trần Thị Tuyết. ( Ảnh Minh họa của Hoahuyen )Bà Nguyễn Thị Phúc vốn là đào nương nhan sắc đằm thắm đa tài một thời vang bóng. Khoảng năm 1957-1958, bà được Đài TNVN mời đến phòng thu thanh cộng tác với bộ môn hát ca trù và ngâm thơ. Một hôm, thi sĩ người Nam bộ Hoàng Tấn chợt hỏi: “Chị ngâm thơ hay như vậy, thế nhà có đứa con nào theo nghề mẹ không?”. Câu hỏi làm bà lặng người. Không muốn động đến chuyện xưa, không hiểu sao bà lại buột miệng: “Cũng có một cô, nhưng chỉ biết... “ngâm nga” vớ vẩn thôi, tôi cho ở nhà làm máy may, đan thuê kiếm sống”. “Thì bà cứ cho cô ấy đến đây thử xem”. Lời chân tình của người phụ trách Tiếng Thơ lúc đó không ngờ lại như một cơ duyên tiền định. 30 tuổi nhưng vóc người bé nhỏ, Trần Thị Tuyết trẻ hơn tuổi rất nhiều. Ngay buổi đầu vào phòng thu, chị đã “xuất thần” một sê ri những thi phẩm cổ điển: Thơ Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, rồi Kiều, Chinh phụ ngâm đến Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ... Các thể thơ tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, lục bát được ngân lên theo các làn điệu sa mạc, bồng mạc, ca trù... Mỗi làn điệu thích ứng với từng bài thơ, thể thơ. Đặc biệt là giọng ngâm vang lảnh, truyền cảm. Giọng gốc Hà Nội, tròn vành rõ chữ, đẹp lung linh mà sang trọng, chuẩn mực, không hề pha tạp ! Những bài thơ Đường nổi tiếng của Đỗ Phủ, Lý Bạch... đặc biệt là tập “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ, bà Phúc ngâm tiếng Hán trước, cô con gái ngâm bản dịch tiếng Việt. Tận mắt xem hai mẹ con tài hoa nức tiếng này trình diễn mới thấy hết sự cao vời tuyệt đỉnh của hồn thơ, của tiếng thơ... Có lẽ người nghệ sĩ được gặp Bác Hồ nhiều nhất là Trần Thị Tuyết. Và đó cũng là hạnh phúc lớn lao nhất trong đời của nghệ sĩ. Lần đầu tiên được gặp Bác là năm 1962, khi theo một đoàn văn công vào phủ Chủ tịch biểu diễn. Hôm đó Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ “ Sáng tháng Năm” của nhà thơ Tố Hữu. Nghe xong Bác cầm một bông hoa hồng lên tận nơi tặng cho chị. Bác hỏi tên và khen ngâm thơ hay. Từ đấy nhiều lần Bác cho gọi nữ nghệ sĩ vào ngâm thơ cho Bác nghe. Một lần khi nghe xong, Bác cho ngồi bên cạnh rồi thân mật hỏi: “Thế cháu bé bị liệt chân của cháu nay thế nào rồi?”. Chị hết sức ngạc nhiên không hiểu vì sao Bác lại biết hoàn cảnh của mình, lặng người vì cảm động không thốt nên lời. Bác nói: “Liệu cháu bé ấy có đi học được không? Cháu phải tìm mọi cách cho nó học, không được để nó vì tàn tật mà thất học đấy!”. Năm 1997 khi được Đài TNVN mời từ miền Nam ra Hà Nội nhân kỉ niệm 50 năm ngày Bác tới thăm đài sơ tán ở Chùa Trầm, chị được mời ngâm bài thơ Xuân 1947 của Hồ Chủ tịch. Ngâm thơ Bác càng nhớ thương Bác khôn nguôi. Sau ngày đó đồng chí Vũ Kỳ đã cho xe đến đón chị thăm lại nhà sàn của Bác. Vào thăm nhà Bác, bao kỉ niệm ùa tràn tâm tưởng, đặc biệt là những lần vinh dự được ngâm cao bài thơ chúc tết của Bác. Một lần Bác nhỏ nhẹ, mẹ cháu là người tài sắc, cháu đã học được rất nhiều từ mẹ cháu, nhưng cháu phải trân trọng, giữ gìn hạnh phúc gia đình, đừng để bất hạnh như mẹ cháu... Giọng Trần Thị Tuyết đúng là cha mẹ cho, nhưng tài năng nghệ sĩ ngâm thơ đâu là do trời phú. Chúng tôi cùng làm việc với chị ở Ban Văn nghệ Đài TNVN suốt từ năm 1970 cho tới sau này. Khi đã nổi tiếng rồi nhưng mỗi lần vào phòng thu thơ, chị bao giờ cũng dành thời gian nghiên cứu kĩ thi phẩm, hỏi biên tập viên để nghe giải thích thêm. Chị quan niệm, muốn thể hiện đúng tinh thần bài thơ, phải hiểu tác giả định nói gì trong tác phẩm, âm điệu, nhạc điệu của bài thơ để thấu hiểu hồn thơ. Cốt lõi là phải cảm được hồn thơ. Có hiểu hồn thơ mới có thể cất lên thành khúc ngâm truyền cảm, lay động lòng người. Kỹ năng ư ? Phải do chính mình tìm hiểu, tạo ra. Bài thơ này hợp với thể ngâm nào, bồng mạc hay sa mạc, có khi là một giai điệu do nghệ sĩ cảm thụ mà sáng tạo. Câu nào ngân lên, đoạn trầm đoạn bổng là đâu, ngắt câu nhả chữ, luyến láy ở đâu... Chị luôn có cây bút chì bất ly thân, dùng để đánh dấu trên trang thơ những ký hiệu cần thiết khi thể hiện. Trước khi vào phòng thu, chị bao giờ cũng ngâm nga đôi ba lần, tự nghe, tự ngẫm, có khi nhờ người khác nghe thử cho ý kiến, chọn lựa cách ngâm hiệu quả nhất. Những thao tác nghề nghiệp trước khi vào phòng thu thơ tưởng chừng đơn giản ấy, tôi lại không thấy ở những diễn viên ngâm thơ bây giờ. Càng lạ lùng hơn khi thấy họ chuẩn bị bước ra sân khấu ngâm thơ cho hàng ngàn khán giả thưởng thức. Họ ỷ vào giọng “trời cho” của mình, “thương hiệu nghệ sĩ” của mình, ngâm véo von chẳng khác nào... hát thơ! Thời gian thường làm phôi pha tài năng nghệ sĩ, nhất là đối với nghệ sĩ biểu diễn. Không ít người chỉ phát huy rực rỡ thời thanh xuân, tuổi về chiều cũng là lúc tài hoa phai tàn. Nhưng lạ kỳ thay là Trần Thị Tuyết. Sau thời gian bị bệnh trầm cảm bởi bao nỗi đa đoan sự đời, chập chờn trắng đen của người đời, tâm thế trống toang suốt 12 năm tưởng đã gục hẳn, đến năm 1994 chị bỗng “sống lại”, thực sự là mình. Giọng chị như hồi xuân, sang tuổi bảy mươi mà tiếng thơ vẫn lanh lảnh như thuở nào. Nhân kỉ niệm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, mồng 7 tháng 9 năm 1995, ra Hà Nội, tới thăm Ban Văn nghệ, trong phút hứng khởi, chị cùng nghệ sĩ Phạm Thành hát dân ca Pháp bằng tiếng Pháp, khiến ai nấy phải rưng rưng cảm động. Giới chuyên môn đánh giá Nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Tuyết là gạch nối giữa thế hệ nghệ sĩ như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc... với lớp trẻ hôm nay. Còn đông đảo thính giả cả nước yêu Tiếng Thơ gần nửa thế kỷ qua thì gọi chị một cách trìu mến: Nghệ sĩ của Nhân dân ! Vũ Hà Sưu tầm "báo Hànội mới online" NSUT Trần Thị Tuyết thời trẻ Họp mặt đầu xuân Mậu Tý kỷ niệm 12 năm thành lập CLB thơ ca Bến Nghé (21.01.1990 - 21.01.2008 ) Hiện nay NS Trần Thị Tuyết đang là một thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt trong CLB Thơ ca Bến Nghé |
Xin trân trọng giới thiệu với các bạn gần xa
TRÍCH MỘT PHẦN BUỔI SINH HOẠT
CỦA CLB THƠ CA BẾN NGHÉ
( Ngày 26 . 5 . 2007 tại nhà vườn Ông Võ Văn Hiến - Quận 7 )
Sinh hoạt tháng 4. 2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét