Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

672. Thế tựa rồng bay mảnh đất thiêng

Tạp chí Ngày Nay của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tổ chức cuộc thi xướng - Họa nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, nhận bài tư 10-2009 đến 10-2010. Bài xướng của nhà thơ Ngô Văn Phú như sau:

Ngàn năm rực rỡ đất rồng thiêng

Hồn hoa đệ nhất có Long Biên
Núi Tản sông Hồng một cõi riêng
Bao thuở kinh đô vang chiến tích
Dấu xưa thành cổ vẫn còn nguyên
Danh nhân trí thức nhiều người giỏi
Văn hiến văn minh lắm bậc hiền
Nam Bắc Đông Tây đường trải rộng
Ngàn năm rực rỡ đất Rồng thiêng

Nhà thơ Ngô Văn Phú


Bài họa
672.
THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Thế tựa rồng bay mảnh đất thiêng

Đã bốn ngàn năm sử sách biên
Nước nam định phận cõi bờ riêng
Dáng xuân Hà Nội(1)khoe hương sắc
Nét cổ Phong Châu(2) vẫn đượm nguyên
Đánh thức địa linh... yêu kẻ sĩ
Khơi nguồn nhân kiệt... trọng tài hiền
Thủ đô văn hiến đang hòa nhập
Thế tựa rồng bay, mảnh đất thiêng

Laonong (Hoahuyen)
05.12.2009

(1) Hà nội : tên thủ đô ngày nay
(2) Phong Châu : là nơi vua Hùng đóng đô 4000 năm trước



Hà Nội ngàn năm văn hiến

Hà nội ngày nay nằm trên cùng đất bồi tụ của ngã ba sông Hồng, sông Đuống, là vùng trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, bởi vậy sự hình thành vùng đất Hà Nội cùng gắn liền với sự kiện tạo vùng châu thổ sông Hồng, vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Hà Nội cổ 4000 năm trước từ thời vua Hùng dựng nước, là một vùng đất cổ của một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Căn cứ vào các tài liệu sử học và văn hoá dân gian thì đất Phong Châu là nơi vua Hùng đóng đô.

Kinh đô nước Âu Lạc là Phong Khê nay là Cổ Loa - huyện Đông Anh, trải qua bao năm tháng, bao mùa lũ phù sa bồi đắp dần dần hồ đồng bằng đã trở thành đồng bằng. Vào thời ấy khu vực Cổ Loa là bãi bồi, bậc thềm của bờ sông Hồng, sông Ngũ Huyện,..Cổ Loa vừa là thung lũng, vừa là đê ngăn lũ cho kinh kỳ. Trong tình hình địa lý thời bấy giờ không đâu sánh kịp Cổ Loa về địa thế thuận lợi cho một kinh kỳ.

Từ thời khởi thuỷ Hà Nội cổ chỉ mới là một làng quê cổ nằm ven sông Tô Lịch. Làng quê này có cái tên huyền thoại Long Đỗ vào thời Hùng Vương, An Dương Vương. Đến thế kỷ thứ năm khu làng gốc của đất Hà Nội cổ đã phát triển thành một huyện, một quận tên là Tống Bình vào thời nhà Tuỳ. Đến năm Giáp Tý (544) Lý Nam Đế, sau khi đánh đuổi thứ sử nhà Lương, lên ngôi vua đổi tên nước thành Vạn Xuân, đóng đô ở Ô Diêm Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng ngày nay) và dựng thành luỹ bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch thông ra sông Nhĩ Hà là đất phường Giang Khẩu hay Hà Khẩu (nay là phố Chợ Gạo – Hoàn Kiếm).

Sang thế kỷ thứ VII, Tống Bình trở thành trung tâm của nhà Tuỳ thống trị cả đồng bằng Bắc Bộ. Năm 621 nhà Đường thay nhà Tuỳ bắt đầu xây dựnga thành luỹ ở Tống Bình và năm 679 đặt ở đấy trụ sở của “An nam đo hộ phủ”. Đến thế kỷ thứ X, Tống Bình là thành luỹ chính của bộ máy đô hộ phủ phương Bắc, Trương Bá Nghi xây La Thành, Trương Chu đến Cao biền đắp rộng ra lấy bờ sông Tô làm hào tự nhiên. Hà Nội cổ từ đó mang tên Đại La thay cho Tống Bình.

Sau 1000 năm ngoại thuộc, Ngô Quyền giành lại độc lập và trở về kinh đô ở Cổ Loa xưa. Đất nước chưa hoàn toàn thống nhất nên phải đóng đô ở Hoa Lư, một vị trí khuất, địa thế hiểm trở không có khả năng phát triển thành nơi đô hội. Đến triều đại độc lập thứ 3, Lý Công Uẩn đã hạ “chiếu thiên đô” năm 1010, lời chiếu nói rõ lợi của việc thiên đô là “cốt để mưu việc lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì rời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Năm 1010 Lý Công Uẩn rời kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên là Thăng Long. Tục truyền khi thuyền ngự từ sông nước Hoa Lư cập bến Đại La, bỗng có Rồng vàng hiện lên trên sông rồi bay vút lên trời, vua Lý Thái Tổ cho đó là điềm lành nên nhân hình ảnh đó mà đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long có nghĩa là rồng bay lên.

Từ năm 1010 – 1225 thời kỳ kiến thiết đất nước trên qui mô lớn và Thăng Long xây dựng xứng đang là quôc đô của một nước hùng cường mở đầu một thời kỳ văn hoá rực rỡ, văn hoá Thăng Long.

Năm Mậu Thân 1428, nhà Lê lên ngôi vẫn lấy Thăng Long – Đông Đô là quốc đô nhưng đổi thành Đông Kinh (1430).

Triều Mạc ngắn ngủi vẫn lấy Đông Kinh làm quốc đô, thời ấy lái buôn phương tây bắt đầu đến, tên Đông Kinh họ phiên âm ra tiếng La tinh là “Tonquin”. Còn trong dân gian thì “Kẻ Chợ” là tên gọi phổ biến cho đô thị Thăng Long – Đông kinh bấy giờ.

Qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê kinh thành Thăng Long – Đông đô của nước Đại Việt đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Nền văn hoá Thăng Long tiêu biểu cho cả kỷ nguyên văn minh Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15. Thăng Long vừa qui tụ, vừa tập trung tinh hoa văn hoá cả nước, vừa toả sáng văn hoá ra cả nước. Sau hàng nghìn năm bị đế chế Bắc đô hộ, hơn 100 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. nhân dân Việt Nam mới giành được độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Thành phố rồng bay đã vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc phục hưng và phát triển văn hoá. Kể từ ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954) đến nay Hà Nội đã trải qua hơn 40 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành dưới sẹ lãnh đạo của Đảng. Ngày ấy đã cắm một mốc son sáng ngời, mở ra một thời kỳ mới cho Hà Nội trên con đường đổi mới và phát triển. Hà Nội đã hoà nhập cùng đát nước, hoà nhập với khu vực và quốc tế để bước vào một thời đại mới, hứa hẹn những thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.

Hà Nội hôm nay là “chàng trai mười bảy” vươn vai Thánh Gióng trên thế tựa Rồng bay với hàng nghìn nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ thuộc mọi ngành nghề khác nhau. Thủ đô Hà Nội đang bước vào thời kỳ phát triển và đổi mới. Mọi hoạt động xã hội đều chuyển theo cái trục kinh tế. Tuy nhiên Hà Nội ngày nay còn là hiện thân của ngàn năm văn hiến, của bản sắc văn hoá, là biểu tượng, là tinh hoa của đất nước.

Không có nhận xét nào: