TRAO CHO BÀI THƠ HỌA HAY NHẤT ĐÂY
Sướng nhất bác Thiện nhé - cả 3 cô luôn
[@more@]
Trong Entry Thơ mời xướng hoạ - Hoahuyen có treo giải thưởng "1000 nụ hôn gió cuả hoa hậu qúy bà năm 2009" cho ai có bài hoạ hay nhất và hứa là sẽ có bài bình...
Hôm nay với tinh thần vui là chính Hoahuyen xin phép CHỦ QUAN CHỌN MỘT BÀI THEO Ý HOAHUYEN CHO LÀ HAY NHẤT để trao giải thưởng ( có thể bài này Hoahuyen chọn chưa vừa ý một số người ) thì chúng ta có thể tranh luận cho vui nhé, miễn là mọi tranh luận phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, thẳng thắn vì sự phát triển của thể lọai thơ Đường.
Bài họa mà Hoahuyen chọn để trao giải đó là bài cuả bác Hồ Văn Thiện, nào chúng ta hãy cùng đọc và nghiền ngẫm:
Bài xướng
Cảm
Lí Bạch,(1) Xuân Hương(2) tiếng để đời
Thơ đường xướng - họa kén người chơi
Vững niêm chữ nghĩa vung thừa sức
Kém luật từ câu vắt kiệt hơi
Già dặn (3) say sưa khuôn thước cổ
Trẻ trung mê mẩn kiểu tân thời
Hậu sinh gìn giữ không mai một
Cũ - mới giao duyên thuận ý trời
Laonong
Hoahuyen (533)
(1) Lí Bạch : Một nhà thơ rất nổi tiếng của TQ
(2) Hồ Xuân Hương : Bà chúa thơ nôm của Việt Nam
(3) Già dặn : lớp già nhưng trí tuệ còn minh mẫn, giầu kinh nghiệm, yêu mến và có ý thức giữ gìn vốn cổ
Bài họa
CHỮ NGHĨA
Thần Siêu thánh Quát hiến cho đời
Nhiều áng hùng văn đâu để chơi
Chữ nghĩa chân dân khai mở sắc
Tấm lòng bảo quốc đến tàn hơi
Khuôn vàng thước ngọc không dây mực
Khí phách trượng phu chẳng lạc thời
Bút tả thanh thiên soi hậu thế
Thanh gươm đâu tá chém ngang trời
26-11-2009
Hồ Văn Thiện
Nhìn tổng quát đây là bài hoạ nguyên vận đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng ( ĐỜI - CHƠI - HƠI - THỜI - TRỜI ) - Bài họa đối luật với bài xướng... 56 chữ không trùng lắp, niêm, luật chuẩn, bài thơ uyển chuyển đọc như có nhạc ở trong thơ và đặc biệt giọng văn hùng tráng, ta hãy xét từng cặp xướng - hoạ để thấy hết cái hay cuả bài họa:
2 câu đề bài xướng ra:
Lí Bạch,(1) Xuân Hương(2) tiếng để đời
Thơ đường xướng - họa kén người chơi
Được đáp lại ngay:
Thần Siêu thánh Quát hiến cho đời
Nhiều áng hùng văn đâu để chơi
- Lý Bạch:(tiếng Trung: 李白; bính âm: Lǐ Bái / Lǐ Bó; 701- 762) là nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên ( Thơ của tiên ). còn Hồ Xuân Hương thì ai cũng biết là nhà thơ Nôm nổi tiếng sống vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Bà đã để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa tục và được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam.
- Đối lại là Thần Siêu thánh Quát : Cao Bá Quát (chữ Hán: 高伯适; 1809 - 1855) là một nhà thơ Việt Nam. Ông có tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Thơ văn của ông được vua Tự Đức, một người giỏi văn thơ, đã phải ngợi khen: Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán (Văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát, đời Tiền Hán không có ai bằng). Cao Bá Quát là bạn thơ văn với Nguyễn Văn Siêu, tạo nên cặp nhà thơ Thần Siêu Thánh Quát - Nguyễn Văn Siêu (1795-1872), tự là Tốn Ban, hiệu là Phương Đình, là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, đồng thời là kiến trúc sư xây dựng nên quần thể đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên-Tháp Bút, cầu Thê Húc ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bài xướng đã đặt vấn đề : Lý Bạch, Hồ Xuân Hương những người nổi "tiếng để đời" bằng những bài thơ xướng hoạ hay... nhưng Xướng họa ấy có còn phù hợp với ngày nay không ? vì ngày nay người ta thích thể thơ cách tân mới phóng khoáng hơn, không gò bó theo khuôn mẫu... thưa xưa cổ quá rồi kén người chơi lắm lắm, và xướng họa để làm chi vậy? không lẽ chỉ để thù tạc chén chú, chén anh tân bốc, nịnh bợ nhau thôi sao ???
* Cái hay của bài họa là đã nói rõ Thần siêu thánh Quát cũng có kém chi ai? họ đã hiến cho đời những ánh hùng văn bất hủ chứ đâu phải để chơi! bằng 2 câu đề mở đầu :
Thần Siêu thánh Quát hiến cho đời
Nhiều áng hùng văn đâu để chơi
và tiếp là 2 câu thực:
Chữ nghĩa chân dân khai mở sắc
Tấm lòng bảo quốc đến tàn hơi
xin sưu tầm tích xưa chuyện cũ lan man một chút : Tự Đức là ông vua hay chữ và hay khoe thơ với quần thần[1]. Một hôm tan buổi chầu, Tự Đức nói với bá quan:
Đêm qua trẫm nằm mơ làm được hai câu thơ thật kỳ lạ, để trẫm đọc cho các khanh nghe!
Rồi Tự Đức đọc luôn:
Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ
Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai
Đây là lối thơ vừa Hán vừa Nôm, các quan đều lấy làm lạ. Cao Bá Quát lúc bấy giờ cũng có mặt, thản nhiên tâu rằng:
Tưởng gì chứ hai câu ấy thì từ hồi còn để chỏm đi học, thần đã được nghe rồi! Thần được nghe cả tám câu kia, nếu bệ hạ cho phép, thần xin đọc lại tất cả.
Tự Đức đang cao hứng về mấy câu thơ vừa Hán dở Nôm độc đáo, nghe Cao Bá Quát nói rất bất ngờ, vì rõ ràng hai câu thơ đó chính vua nghĩ ra. Tự Đức bảo ông đọc cho nghe cả bài thơ, nếu không đọc được thì sẽ trị cái tội khi quân.
Ông suy nghĩ một lát như để nhớ lại một bài thơ lâu ngày không nhìn đến, rồi cất giọng sang sảng ngâm rằng:
Bảo mã tây phương huếch hoác lai,
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ,
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp,
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài.
Khù khờ thi tứ đa nhân thức,
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.
Nghĩa là:
Ngựa báu từ phía tây huếch hoác lại,
Người huênh hoang nhờ cậy dìu về.
Trong vườn oanh hót giọng khề khà.
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm.
Ngày xuân chẳng thấy sương lộp bộp.
Tiết thu chỉ thấy mưa bài nhài.
Tứ thơ khù khờ nhiều người biết,
Khệnh khạng còn mang hỏi tú tài.
Bài thơ vừa đọc xong, các quan nhìn nhau kinh ngạc, còn Tự Đức thì biết đích là Cao Bá Quát chơi xỏ mình, nhưng cũng rất sửng sốt và hết sức thán phục. Vua sai lấy chè và quế ban cho Quát và bắt Quát phải thú thật là đã bịa thêm sáu câu.
Thế mới biết chữ nghĩa với người hiểu biết thật khôn lường và hoahuyen rất nể 2 câu thực cuả lão Hồ Văn thiện "nó" có tầm khái quát cao về giá trị thật cuả chữ nghĩa, có thể làm thay đổi thế giới "chân dân khai mở sắc"...
Tiếp 2 câu bình bài xướng viết :
Già dặn (3) say sưa khuôn thước cổ
Trẻ trung mê mẩn kiểu tân thời
Bài hoạ:
Khuôn vàng thước ngọc không dây mực
Khí phách trượng phu chẳng lạc thời
Ai chơi thơ đường đều biết Luật "nó" rất gò bó trong khuôn khổ... và cái tài cuả người chơi thể hiện rõ nhất ở 2 câu bình và 2 câu kết, chơi thơ Đường Luật chính là chơi "khuôn vàng thước ngọc" giàng buộc rất chặt chẽ bởi niêm luật, đối ý, đối từ, đối câu, đối thanh bằng trắc.... và người có tâm, tầm thể hiện được "Khí phách trượng phu... " khá sắc nét, cái tài cũng bộc lộ rõ rệt...
tiếp 2 câu kết bài xướng viết :
Hậu sinh gìn giữ không mai một
Cũ - mới giao duyên thuận ý trời
Bài hoạ:
Bút tả thanh thiên soi hậu thế
Thanh gươm đâu tá chém ngang trời
đọc 2 câu này Hoahuyen có cảm giác đang đọc một câu trong bài hịch tướng sĩ hay cái khẩu khí rất "Lý Thường Kiệt" trong tuyên ngôn bất hủ:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"
Hình ảnh "Bút tả thiên thanh" tương truyền là câu cuả Nguyễn văn Siêu ( viết lên trời xanh ) chính là câu khắc ở thân Tháp Bút Hồ Gươm Hà Nội - một ngọn tháp bằng đá cao năm tầng, được xây dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865) trên nền núi Độc Tôn (còn gọi là núi Ngọc Bội) theo ý tưởng của nhà nho Nguyễn Văn Siêu, nằm ở phía ngoài lối vào cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Tháp dựng trên ngọn núi do đá xếp, đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông có năm tầng, cao 28m. Đỉnh là một ngòi bút lông dựng ngược. Cả cán và ngòi bút cao 0,9m. Trên thân ba tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ Tả Thanh Thiên mang nghĩa "Viết lên trời xanh"... nhưng đã được Bác Hồ Văn Thiện khéo léo đưa vào câu thơ kết cuả mình thật tài tình nó cho thấy cái "dũng" cuả những người cầm bút tả xung hữu đột giữa " thanh thiên bạch nhật đấu tranh chống lại cái sai, cường quyền... bênh vực người ngay, lương thiện, yếu thế... "giữa đường thấy cảnh bất bình không tha..." hình ảnh đó còn có thể hiểu ngòi bút ngay thẳng dám nói lên sự thật, phản ánh hiện thực xã hội để lưu hậu thế, có tác dụng vần xoay thế cuộc...
Xướng và hoạ thơ Đường luật là có hàm ý đối hoạ ở trong đó.Người ta xướng ra mình phải đối đáp lại, vì vậy nếu chỉ một bài xướng và một bài hoạ thì bài hoạ bắt buộc phải đối luật với bài xướng. Trường hợp bất khả kháng không thể đối luật được thì có thể châm chế hoạ đồng luật, nhưng bài hoạ đồng luật sẽ bị giảm giá trị vì không đáp ứng đúng thể thức xướng hoạ đúng cách - Mặt khác Hoạ thơ là "vẽ lại" hình ảnh của bài xướng cho nên phải trung thực với bài xướng về ý cũng như vần. Hoạ sai ý bài xướng là không đạt. Hoạ sai bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất vận: không đạt. Xuất vận là đi ra khỏi sự hạn định về vần của bài xướng.Hoạ sai nghĩa bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất ý: không đạt. Xuất ý là đi ra khỏi ý nghĩa chữ vần của bài xướng. Hoạ thơ Đường luật đúng cách rất khó. Một bài thơ chuẩn sẽ có âm điệu du dương trầm bổng khi đọc hoặc ngâm nga rất êm tai truyền cảm... âm điệu rất quan trọng vì nó tạo ra nhạc tính cho bài thơ. Do đó người ta nói trong thơ có nhạc trong nhạc có thơ là bởi lẽ đó....
Bài hoạ cuả Bác Hồ Văn Thiện là một bài hoạ khá chuẩn, khó bắt bẻ tuy nhiên nếu thật khắt khe không phải không có lỗi :
ví dụ:
Chữ nghĩa chân dân khai mở sắc
Tấm lòng bảo quốc đến tàn hơi
* "khai mở sắc" là khai mở gì nhỉ? có vẻ chưa rõ nghĩa lắm
* và "Khai mở sắc" chưa thật đối chỉnh với "đến tàn hơi" liệu có thể như thế này chăng?
Chữ nghĩa chân dân, lo kiệt sức
Tấm lòng bảo quốc, dốc tàn hơi
Tuy nhiên như Phạm Doanh đã từng nói và viết : " Đối trong thơ Đường Luật là đối ý trước tiên rồi mới đến đối tự loại. Và đối từng cụm từ chứ không phải từng chữ. Ý tưởng nghèo nàn, chữ dùng thô thiển thì dù có đối chỉnh cách mấy cũng không có chút giá trị nào, loại Đường Luật nặng về hình thức này giống như 1 chiếc hộp gỗ thật vuông vức thật thẳng góc cạnh nhưng gỗ là gỗ tạp và chứa đựng trong lòng nó nội dung nghèo nàn. Sao bằng được một chiếc hộp gỗ góc cạnh có thể không thẳng hoàn toàn nhưng là gỗ quý và chứa đựng món hay vật lạ... "
nhìn tổng quát có thể thấy sân chơi thơ đường trên vnweblogs có những vấn đề như sau:
1. Tuy có sôi nổi thật nhưng chỉ tập trung vào 1 số người ( như Bác Hồ văn Thiện, Anh Luongthephiet, anh Đông Hòa, anh hadinhchung, anh phieuvan08, Bác sĩ Tản, anh Võ Ngọc Sơn, Mỵ Duy Sơn, Sonata, Nico... ) chơi loại thơ này tức vẫn chỉ "đếm trên đầu ngón tay"
2. Một số bài có nhiều ý, tứ hay nhưng cũng có bài sai chủ đề và còn "sạn". Cho đến thời điểm này Hoahuyen đánh giá cao ( theo ý kiến rất riêng ) Bài của bác Hồ Văn Thiện là bài họa hay nhất đợt này.
3.Đặc biệt anh Đông Hòa có khả năng phản xạ thơ đường nhanh ( kể cả thuận nghịch độc là loại khó nhai không dễ gì ai cũng làm được ngay... nhưng với ĐH thì chẳng khác gì "người bị ma nhập" )
Xin chúc mừng và Trân trọng trao 1000 nụ hôn gió cuả hoa hậu quý bà năm 2009 cho Bác HỒ VĂN THIỆN.
hehehe
Mời họa tếu chơi
Món quà thây lẩy ứa đầy xuân
Hôn vài vạn cái mới ngang tầm
Bởi lão từ lâu đã ngậm sâm
Chả sợ xồn xồn say sấn sổ
Chỉ e tre trẻ nó đòi ngâm
Phen này đứng nhất mềm môi mép
Lần tới thủ khoa dẻo gối gân
Kính cẩn hoahuyen trao tặng bác
Món quà thây lẩy ứa đầy xuân
Hoahuyen
Đề mời họa hạn vận:
Nội Dung: Tư do
Hạn vần :
MÂY - THẦY - ĐÂY - TAY - HAY
Hạn vận : bài họa phải có đủ các tên sau:
HÒA, THIỆN, PHIỆT, VĂN,
CHUNG, TẢN, SƠN, SO, NI
Giải thưởng : 1000 cái hôn của hoa hậu
thế giới các loài dê, hehehe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét